Theo thông tin của tờ Financial Times (Anh) và Wall Street Journal (Mỹ), giới chức cấp cao Mỹ đang thảo luận về khả năng mở một cuộc điều tra về hành vi trợ cấp doanh nghiệp từ chính phủ Trung Quốc, một động thái có thể làm leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại vốn đã nóng giữa hai bên. Thảo luận trong nội bộ có thể sẽ dẫn đến bước cuối cùng là áp thuế trừng phạt mới đối với hàng hòa nhập khẩu từ Trung Quốc, dù biện pháp này được cho là còn xa.
Kế hoạch này xuất hiện tại thời điểm Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đang dần hoàn tất tiến trình rà soát chính sách thương mại với Trung Quốc, vốn kéo dài trong nhiều tháng và bị nhiều lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lên tiếng phản đối vì không sớm đề ra biện pháp xử lý ổn thỏa điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Đại diện thương mại Katherine Tai đã có các cuộc tham vấn với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, bàn về khả năng mở cuộc điều tra Trung Quốc trợ cấp cho các công ty trong nước, theo Điều 301, Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974. Đây cũng chính là khung điều luật được chính quyền Donald Trump sử dụng để áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu đối từ Trung Quốc trị giá 360 tỉ USD.
Nhà Trắng cũng đang tìm cách huy động thêm các đối tác, đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản cùng nhiều nước ở châu Á, đồng thời tìm kiếm sự hậu thuẫn tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề trợ cấp. Một nguồn tin ẩn danh cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn “gây áp lực toàn diện” với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ quyết định chính thức nào được đưa ra.
Dự kiến vấn đề trợ cấp sẽ được Mỹ đưa ra sau các cuộc đàm phán tới đây về thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Giới chức Mỹ, Trung Quốc đã mở các cuộc thảo luận về việc Bắc Kinh chưa đáp ứng, tuân thủ cam kết mua hàng. Hai bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách thức xử lý trong bối cảnh thiếu vắng hẳn can dự cấp cao.
Trong đợt rà soát này, USTR đi đến kết luận về buộc Trung Quốc thực thi cam kết mua hàng Mỹ theo đúng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được đàm phán và ký kết dưới thời chính quyền Donald Trump. Theo thỏa thuận, Washington đồng ý cắt giảm một số dòng thuế, đổi lại Bắc Kinh cam kết tăng thêm 200 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 2 năm 2020 và 2021, với mốc so sánh là tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc trong năm 2017.
Riêng với năm 2020, theo đúng thỏa thuận đề ra, Bắc Kinh phải tăng lượng hàng hóa mua thêm từ Mỹ ít nhất là trên 63,9 tỉ USD so với ngưỡng của năm 2017. Nhưng trên thực tế, TQ hụt 40% so với cam kết trong năm 2020 và hiện hụt 30% sản lượng mua hàng cho năm 2021 tính đến thời điểm này - theo thống kê của Chad Brown, chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ).
Nguồn thạo tin cho biết trong tiến trình rà soát, USTR cũng không có kế hoạch giảm, dỡ bỏ toàn diện thuế trừng phạt đang được áp dụng với hơn 50% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thay vào đó, USTR đi sâu vào đánh giá dòng thuế nào đang gây hại cho nền kinh tế Mỹ, cản trở cho các cấu thành trong nghị trình kinh tế của Tổng thống Joe Biden, nhất là kế hoạch đầu tư hàng trăm tỉ USD cho phát triển hạ tầng. Sẽ có một số sản phẩm từ Trung Quốc được giảm thuế, một số ít được đưa sang diện miễn trừ.
Sau khi lên nhậm chức vào đầu năm nay, ông Biden vẫn giữ nguyên các sắc thuế trừng phạt chống Trung Quốc, bất chấp việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Mỹ lên tiếng đòi cắt giảm hoặc loại bỏ thuế trừng phạt. Quyết định mở cuộc điều tra mới nếu được thực hiện sẽ cho thấy Mỹ dưới thời ông Biden ít có khả năng nới lỏng biện pháp gây sức ép với Bắc Kinh về kinh tế, thương mại.
Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc trợ cấp công nghiệp tràn lan cho các công ty trong nước, tạo ra tình trạng cạnh tranh không công bằng. Nhưng việc xử lý điểm nghẽn này không đơn giản. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thất bại khi không ép Trung Quốc cắt giảm, từ bỏ trợ cấp và đành phải chấp nhận phải loại chủ đề này ra khỏi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, chuyển sang thỏa thuận giai đoạn 2 – một tiến trình hiện vẫn chưa được khởi động.