Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn phân tích của CELAG cho biết, làn sóng người di cư đến Mỹ đã tăng mạnh kể từ tháng 10/2018, từ 160 người ban đầu xuất phát từ thành phố San Pedro Sula của Honduras đến nay đã lên tới trên 9.000 người, chủ yếu là người Honduras và Guatemala. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo nhiều lần rằng đây là một hành động “xâm lược”.
Theo thống kê của Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, có 396.579 người không có giấy tờ đã bị giam giữ sau khi nhập cảnh bất hợp pháp trong năm 2018.
Số người di cư xin tị nạn ở biên giới Tây Nam nước Mỹ đã tăng gần 70% từ năm 2017 đến 2018. Hiện tại, hơn 5.000 người di cư có tên trong danh sách xem xét xin tị nạn và quá trình xử lý sẽ phải kéo dài hơn 2 tháng.
Để đối phó với tình trạng trên, Tổng thống Donald Trump đã giới hạn số lượng đơn xin tị nạn hàng ngày tại biên giới - hệ thống được chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama lập ra năm 2016 trong bối cảnh hàng nghìn người nhập cư từ Haiti.
Mỹ cũng tăng cường triển khai binh sĩ quân đội tới biên giới. Kể từ ngày 25/10/2018, gần 6.000 binh sĩ đã được triển khai để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tuần tra biên giới.
Số binh sỹ này, theo kế hoạch ban đầu, sẽ kết thúc nhiệm vụ vào ngày 25/12/2018, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông James Mattis đã gia hạn đến ngày 31/1/2019, và theo CELAG xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.
Tổng thống Trump cũng đề xuất cắt giảm viện trợ kinh tế hằng năm cho Honduras, Guatemala và El Salvador (công dân từ các quốc gia này chiếm đa số trong dòng người di cư) nhằm ngăn chặn dòng người di cư, tuy nhiên không được Quốc hội Mỹ chấp thuận.
Vì vậy, Chính phủ của Tổng thống Trump hiện đã bày tỏ đồng tình và hỗ trợ đề xuất của chính phủ mới ở Mexico về việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực miền Nam nước này và các quốc gia Trung Mỹ nêu trên, qua đó tạo một “bức tường thịnh vượng” ngăn chặn dòng người di cư.