Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết quyết định này sẽ tạo điều kiện để các gia đình bị ly tán được đoàn tụ, cũng như cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ họ trong quá trình hồi phục như hỗ trợ pháp lý cho quá trình xin nhập cư, hỗ trợ nơi ở, chi trả một phần dịch vụ y tế, không bao gồm tiền bồi thường.
Thỏa thuận được đề xuất cũng đặt ra các tiêu chuẩn mới nhằm hạn chế việc chia cắt cha mẹ với con cái trong các gia đình di cư. Theo Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Vanita Gupta, thỏa thuận này sẽ giải quyết hệ lụy của tình trạng ly tán và triển khai các chính sách ngăn chặn tái diễn tình trạng này. Thỏa thuận cần được sự chấp thuận của thẩm phán tòa án Mỹ.
Tháng 2/2021, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ban hành sắc lệnh cam kết bảo vệ quyền đoàn tụ gia đình người di cư và đảm bảo trẻ em không bị chia tách với gia đình khi tới Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ước tính khoảng 4.000 gia đình di cư đã bị chia cắt ở biên giới phía Nam trong các năm 2017 và 2018.
Liên quan vấn đề người di cư tại Mỹ, cùng ngày 16/10, Thị trưởng thành phố New York Eric Adams cho biết thành phố sẽ bắt đầu giới hạn thời gian lưu trú của các gia đình tại các trại tị nạn của thành phố, vì các cơ sở này đang dần trở nên quá tải và không thể tiếp nhận dòng người di cư như vài tháng trở lại đây. Theo ông Adams, trong hơn một năm qua, New York đã đi đầu trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn quốc, song cần thêm nguồn lực, sự phối hợp và hỗ trợ đáng kể từ tất cả các cấp chính quyền. Trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ bổ sung từ chính quyền liên bang và bang, giới chức thành phố New York sẽ áp dụng quy định giới hạn và thông báo cho các gia đình có trẻ em đang xin tị nạn trước 60 ngày để họ có thể tìm nơi ở thay thế.
Chỉ riêng trong tuần trước, khoảng 600 người di cư đến thành phố New York mỗi ngày, đa phần đến từ khu vực Mỹ Latinh. Ngoài ra, hơn 64.000 người trong tổng số 126.700 người di cư đến từ mùa Xuân năm ngoái đang sống dựa vào các dịch vụ công cộng. Thành phố đông dân nhất nước Mỹ đã mở 210 địa điểm tạm trú, bao gồm 17 trung tâm viện trợ nhân đạo quy mô lớn và sẽ sớm thiết lập một trung tâm khác ở khu Brooklyn với sức chứa lên tới 500 gia đình có trẻ nhỏ. Văn phòng Thị trưởng New York ước tính cuộc khủng hoảng người nhập cư sẽ khiến thành phố tiêu tốn tới 12 tỷ USD trong vòng 3 năm. Thị trưởng Adams đã hối thúc chính quyền liên bang có giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn quốc.