Trong bối cảnh rác thải tiếp tục được các nước phát triển vận chuyển xuyên đại dương đến chất đống tại các nước đang phát triển, Mỹ có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng khi ngày càng nhiều quốc gia từ chối nhận rác của nước này.
Không giống Đức có thể tái sử dụng 68% rác, Mỹ chỉ tái chế được 35% và phải phụ thuộc vào việc chở rác sang nước khác. Nếu tình trạng này không chuyển biến, Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị chôn vùi trong núi phế thải của chính mình.
Hãng RT dẫn báo cáo mới của hãng cố vấn chiến lược và nguy cơ toàn cầu Maplecroft cho biết: “Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất thải ra lượng rác vượt quá khả năng tái chế, cho thấy sự thiếu hụt chính sách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Maplecroft đã tính toán lượng rác thải cùng hiệu suất tái chế của 194 quốc gia để tìm ra những nước gây ô nhiễm nặng nhất thế giới.
Không ngạc nhiên khi Trung Quốc dẫn đầu về lượng rác thải ra nhưng quốc gia châu Á này thực chất lại nằm trong số ít nước lớn phát sinh ra tỷ lệ rác ít hơn so với tỷ lệ dân số. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm gây ô nhiễm hàng đầu nhiều năm nay, gần đây Bắc Kinh đã thực hiện các bước đầu tư lớn vào môi trường, xanh hóa nền kinh tế, trong khi Washington lại thay đổi chậm chạp hơn.
Tháng trước, một báo cáo khác đã tiết lộ rằng Quân đội Mỹ chính là “nhà sản xuất khí nhà kính” lớn nhất hành tinh.
Trong một diễn biến liên quan, Indonesia ngày 2/7 đã từ chối nhận 49 container chứa đầy rác được chở từ Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu đến nước này. Cùng với các nước châu Á khác, Indonesia tuyên bố sẽ không trở thành bãi chứa rác thải quốc tế. Toàn bộ số container chứa rác thải nhựa và chất thải độc hại sẽ được trả về quốc gia ban đầu.
Xem video dưới đây. Nguồn: CNA