Dẫn lời 2 quan chức quốc phòng Mỹ, đài CNN đưa tin các mục tiêu nằm rải rác ở 7 địa điểm. Vụ đáp trả kéo dài 30 phút và chỉ được báo trước cho chính phủ Iraq, không được thông báo trước với Iran. Mỹ vẫn chưa nắm rõ số lượng các tay súng thương vong. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby khẳng định các cuộc tấn công đã thành công và đánh trúng mục tiêu.
Trong một tuyên bố vào chiều 2/2, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nêu rõ: “Lực lượng quân sự đã tấn công hơn 85 mục tiêu, với nhiều máy bay, trong đó có máy bay ném bom tầm xa xuất phát từ Mỹ. Các cuộc không kích sử dụng hơn 125 quả đạn chính xác. Các cơ sở bị tấn công bao gồm cơ sở chỉ huy và giám sát, các trung tâm tình báo, kho tên lửa, kho chứa máy bay không người lái cũng như các cơ sở chuỗi cung ứng hậu cần và đạn dược của các nhóm dân quân...”
Cũng theo một quan chức chính quyền cấp cao, Mỹ sẽ không tấn công bên trong Iran mà chỉ tập trung vào các mục tiêu bên ngoài đất nước. Việc tấn công vào bên trong Iran được đánh giá sẽ là một động thái khiến căng thẳng leo thang nghiêm trọng và các quan chức đều cho rằng một kịch bản như thế khó có thể xảy ra.
Ngay sau không kích đáp trả, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một tuyên bố. "Chủ nhật vừa qua, 3 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng ở Jordan bởi cuộc tập kích bằng máy bay không người lái do các nhóm chiến binh được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn phóng đi… Chiều nay, theo sự chỉ đạo của tôi, lực lượng quân sự Mỹ đã tấn công các mục tiêu tại Iraq và Syria mà IRGC và nhóm dân quân liên kết sử dụng để tấn công binh sĩ Mỹ. Chúng tôi sẽ bắt đầu đáp trả từ ngày hôm nay. Cuộc đáp trả này vẫn sẽ tiếp tục, theo thời gian và địa điểm chúng tôi chọn”, nhà lãnh đạo Nhà Trắng cho biết ngày 2/2.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh các cuộc tấn công của Mỹ ở Iraq và Syria trong ngày 2/2 chỉ là “phản ứng khởi đầu” của Washington.
Bộ trưởng Austin nói: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào khác, nhưng Tổng thống và tôi sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, các lực lượng và lợi ích của chúng tôi”.
Theo Trung tướng Douglas A. Sims - Giám đốc tác chiến của Bộ Tổng tham mưu liên quân, lựa chọn thời điểm tiến hành các cuộc tấn công vào ngày 2/2 nhằm vào các mục tiêu ở Iraq và Syria phù hợp với điều kiện thời tiết trong khu vực. Mỹ đang tìm cách tránh những tổn thất thương vong không cần thiết.
Theo ông Sims, lợi dụng độ che phủ của mây, Mỹ có thể hoạt động để đảm bảo bắn trúng chính xác tất cả các mục tiêu. Vị tướng này cũng tiết lộ máy bay ném bom B-1 của Không quân nằm trong số các máy bay Mỹ thực hiện cuộc không kích ở Iraq và Syria. Chiếc máy bay ném bom tầm xa này đã xuất phát thẳng từ Mỹ.
Trước đó, ngày 31/1, phát ngôn viên Kirby nói rằng nhóm Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã lên kế hoạch, cung cấp nguồn lực và tạo điều kiện thực hiện vụ tập kích căn cứ Mỹ ở Jordan Theo ông Kirby, Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq gồm nhiều nhóm, trong đó có Kata’ib Hezbollah.
Tuy nhiên, ông Kirby không chỉ đích danh Kata'ib Hezbollah, nói rằng đây không phải là nhóm duy nhất chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ trước đây.
Vụ tập kích căn cứ ở Jordan là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất trong số các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông kể từ ngày 7/10/2023 – ngày bùng phát cuộc chiến Hamas – Israel ở Gaza. Đây cũng là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng dưới hỏa lực trực tiếp ở Trung Đông kể từ ngày đó. Ngoài 3 lính thiệt mạng còn có hơn 30 lính Mỹ bị thương trong vụ ở Jordan.