Mỹ siết chặt nguồn cung tài chính cho WHO sau tuyên bố của Tổng thống Trump

Bộ Ngoại giao và các cơ quan trực thuộc chính quyền Mỹ giờ sẽ phải xin ý kiến phê duyệt trước khi giải ngân các khoản đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mạng tin Politico ngày 9/4 dẫn lời các nguồn tin cho biết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tại Wildwood, New Jersey, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo đó, các bộ, ngành, đầu mối có liên quan đến việc phân bổ, chuyển đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO đã nhận được chỉ thị chỉ được tiếp tục giải ngân trong tài khóa 2020 khi có sự đồng ý từ cấp cao hơn.

Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 7/4 dọa sẽ cắt tài trợ cho WHO với cáo buộc cơ quan này đã quá thiên vị Trung Quốc và phản ứng chậm chạp, sai lầm trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Mỹ hiện là nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho WHO, với tổng số tiền hơn 400 triệu USD trong năm 2019, trong khi tài trợ của Trung Quốc cùng thời kỳ chỉ là 44 triệu USD. 

Việc đưa ra quy định giải ngân phải xin ý kiến thông qua có thể là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ xem xét lại việc tài trợ cho WHO. Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAIDS) sẽ là những thực thể chịu ảnh hưởng từ quy trình mới. Hiện chưa biết ai là người có thẩm quyền phê chuẩn đóng góp tài chính của Mỹ đối với WHO, nhưng một nguồn tin cho biết nhiều khả năng Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ được giao thẩm quyền này.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa có chung quan điểm với Tổng thống Trump, chỉ trích những sai lầm của WHO trong cách đối phó với dịch bệnh, cho rằng Mỹ nên rút lại hàng trăm triệu USD tài trợ cho tổ chức này, yêu cầu Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom phải từ chức và kêu gọi đẩy giới chức Mỹ mở cuộc điều tra đối với WHO.

Thượng nghị sĩ Tood Young, Chủ tịch một tiểu ban thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ngày 9/4 chỉ trích WHO cấm đoán đưa tin về những phản ứng vụng về của Trung Quốc, hậu thuẫn chiến dịch truyền thông sai lệch của Bắc Kinh. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc WHO không hoàn thành sứ mệnh truyền đi một thông điệp nhẽ ra phải có để bảo đảm sức khỏe toàn cầu, cho biết Mỹ cần phải đánh giá lại việc cung cấp tài chính cho WHO. 

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu WHO có nên thay Tổng Giám đốc hay không, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng “đây chưa phải thời điểm để phải có những thay đổi như vậy”. Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết lãnh đạo Mỹ “chưa đi đến quyết định” liên quan đến vị trí của ông Tedros – người nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp y khoa tại Mỹ, trong đó có chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci.

Những người chỉ trích Tổng thống Trump nhìn nhận ông lôi ra vụ WHO là để đổ lỗi cho người khác, hướng dư luận khỏi luồng đánh giá cho rằng chính quyền đã hành động trễ, không ngăn được dịch COVID-19 lan rộng tại Mỹ. Số này cũng cho rằng chỉ trích, làm suy yếu WHO vào thời điểm này là điều tệ hại, khi mà tổ chức này đóng vai trò trung tâm trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển chống dịch, truyền phát thông tin về tình hình bệnh dịch.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
WHO đánh giá tổng quan 100 ngày phòng, chống dịch bệnh COVID-19
WHO đánh giá tổng quan 100 ngày phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong cuộc họp báo ngày 8/4 tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có bài phát biểu đánh dấu 100 ngày kể từ khi WHO được thông báo về những trường hợp mắc bệnh COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN