Theo đài Sputnik, phát biểu trước các phóng viên ngày 1/6, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Năm 2014, Mỹ đã thực hiện đánh giá toàn diện cách tiếp cận đối với các hoạt động do thám nước ngoài. Tổng thống Obama cũng ra chỉ thị thay đổi cách tiếp cận một cách đáng kể. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác châu Âu để giải đáp bất cứ nghi vấn nào thông qua các kênh an ninh quốc gia hợp lý”.
Ngày 30/5, một cuộc điều tra của truyền thông châu Âu đã tiết lộ cơ quan tình báo quốc phòng của Đan Mạch đã phối hợp với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện các hoạt động nghe lén nhằm vào các chính trị gia châu Âu từ năm 2012 đến năm 2014. Loạt quan chức cấp cao EU bị nghe lén bao gồm Thủ tướng Đức Angele Merkel, cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cùng các quan chức Thụy Điển, Na Uy, Pháp…
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án kịch liệt hành vi như vậy là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh. Nhà lãnh đạo tuyên bố ông chờ đợi một lời giải thích từ Mỹ và Đan Mạch liên quan đến những cáo buộc nghe lén này.
Thủ tướng Đức Merkel cùng chia sẻ quan điểm với Tổng thống Macron. "Chúng tôi đã thảo luận về những điều này... liên quan đến NSA. Cách tiếp cận của chúng tôi đối với các cuộc điều tra không thay đổi kể từ đó, chúng tôi dựa trên các mối quan hệ tin cậy và sự thật”, nữ Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp báo chung trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo ngày 31/5.
Cùng ngày, Đức tuyên bố họ chưa sẵn sàng xác nhận liệu có tiếp tục hợp tác với các cơ quan tình báo Đan Mạch hay không sau các báo cáo nghe lén gần đây.
Na Uy và Thụy Điển cũng đã yêu cầu Đan Mạch giải thích sau những tiết lộ về vai trò của cơ quan tình báo quốc phòng nước này trong hoạt động gián điệp nhằm vào các nước láng giềng.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ bị cáo buộc nghe lén quan chức cấp cao các nước đồng minh. Năm 2013, truyền thông Mỹ cũng đã đưa tin về chương trình do thám của tình báo Mỹ thông qua chi tiết do Edward Snowden – cựu nhân viên NSA – cung cấp.