Chưa gần đỉnh dịch
Theo kênh CNBC, bang Ohio đã chứng kiến số ca nhập viện vì COVID-19 tăng chưa từng có tiền lệ. Các giường bệnh chăm sóc đặc biệt ở Tulsa, bang Oklahoma đều kín bệnh nhân. Bệnh viện ở bang Bắc Dakota không có đủ bác sĩ và y tá. Các nhà quản lý bệnh viện ở bang Iowa cảnh báo bệnh viện sắp tới giới hạn.
Mỹ đang sắp bước vào một mùa đông đen tối và những tháng tới sẽ xảy ra những diễn biến dịch bệnh mà Mỹ chưa từng chứng kiến.
Ngay cả khi có tiến triển về phát triển vaccine và phương pháp điều trị, nhưng các nhà dịch tễ học vẫn dự báo 3 hoặc 4 tháng tới sẽ là những tháng khó khăn nhất.
Tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nhận định: “Điều mà người Mỹ phải hiểu là chúng ta sắp bước vào địa ngục COVID. Điều đó sẽ xảy ra”.
Cách đây vài tháng, ông Osterholm đã dự báo sẽ có đợt gia tăng số ca COVID-19 mới “vô cùng lớn” sau Ngày Lao động. Hiện nay, ông cho rằng con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh và Mỹ còn chưa gần đạt đỉnh dịch bệnh. Trong khi đó, các bệnh viện đều đang quá tải. Ông nói: “Ba tới bốn tháng nữa sẽ là giai đoạn đen tối nhất của đại dịch”.
Mỹ ghi nhận trung bình trên 120.000 ca COVID-19 mới mỗi ngày trong thời gian qua. Số ca mắc mới cao như vậy không thể chỉ do tăng cường xét nghiệm vì số ca mắc mới nhiều hơn tỷ lệ xét nghiệm.
Theo phân tích của CNBC dựa trên số liệu của Đại học Johns Hopkins, các ca bệnh cũng gia tăng với tốc độ nhanh hơn, tăng trung bình khoảng 33% trong tuần trước. Số người nhập viện khắp nước Mỹ đang ở mức kỷ lục.
Trong thời gian tới, các dịp nghỉ lễ như Lễ Tạ ơn, lễ Diwali của người Ấn Độ, Giáng sinh, lễ Hanukkah của người Do Thái và Năm mới, sẽ là cơ hội để virus lây lan trong các sự kiện đông người khắp nước Mỹ. Tiến sĩ Isaac Bogoch, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Đại học Toronto, cho rằng các dịp lễ hội sẽ khiến virus lây lan sang những khu vực mới và gia tăng số ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong tháng 12 tới, sẽ có nhiều người chết hơn hồi tháng 3 và tháng 4 – thời gian Mỹ có từ 20.000-30.000 ca mắc và trên 2.000 ca tử vong/ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cũng cảnh báo số ca tử vong hàng ngày sẽ trên đà tăng trong 4 tuần tới. Trong tuần kết thúc vào 28/11, có thể sẽ có từ 4.600 tới 11.000 ca tử vong.
Dựa trên xu hướng dịch bệnh hiện tại, các chuyên gia ước tính Mỹ sẽ có trên 2.100 người chết vì COVID-19 mỗi ngày trong mùa đông này. Con số này có thể giảm nếu áp dụng nhiều biện pháp hạn chế hơn để kiềm chế virus lây lan, có thể tăng nếu giới chức các bang nới lỏng phòng dịch.
Tính tới trưa 12/11 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận trên 10,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 247.000 người tử vong.
Khó khăn nhân sự
Trong khi đó, Mỹ có nhiều công cụ để chống virus SARS-CoV-2 hơn bao giờ hết. Hãng dược Pfizer và công ty BioNTech đã công bố dữ liệu sớm trong cuộc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối cho thấy vaccine hiệu quả trên 90%. Nếu được cấp phép, vaccine này có thể được tiêm cho một số đối tượng hạn chế ngay từ đầu tháng 12. Pfizer cho biết có thể sản xuất đủ lượng vaccine để tiêm ngừa cho 25 triệu trong 331 triệu người Mỹ trước năm 2021.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng có trong tay nhiều liệu pháp chữa trị như thuốc kháng virus Remdesivir và dexamethasone giúp cứu mạng bệnh nhân và giúp họ nhanh phục hồi.
Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện nay rất khác so với hồi đầu đại dịch. Số ca mắc mới tăng nhanh tới mức một số bệnh viện đã hoạt động với công suất tối đa, buộc phải dựng lều trại để đáp ứng nhu cầu chữa trị.
Vấn đề nhân sự ngành y tế cũng rất nan giải. Thành phố New York hồi mùa xuân và bang Arizona hồi mùa hè đã được hỗ trợ rất nhiều từ các y tá, bác sĩ tình nguyện tới hai điểm nóng này để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, giờ COVID-19 hoành hành khắp nơi và không có nhân viên y tế nhàn rỗi để sẵn sàng triển khai tới các khu vực khác.
Tiến sĩ Lewis Kaplan tại bệnh viện Đại học Pennsylvania cho biết có thể xảy ra tình trạng thiếu nhân viên y tế trong đại dịch và các bác sĩ, y tá kinh nghiệm nhất đã kiệt sức và không rõ họ có thể trụ được với tốc độ lây lan của virus hay không.
Tiến sĩ Angela Hewlett, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, cho biết bệnh viện của bà đang căng thẳng cực độ khi mà giường bệnh vừa mở ra đã đầy bệnh nhân. Bệnh viện đã dành toàn bộ một tầng cho bệnh nhân COVID-19 và đầy bệnh nhân chỉ trong vài ngày.