Ngày 19/1, lãnh đạo các quốc gia Tây Phi đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh để đẩy nhanh việc triển khai binh sĩ khu vực tới Mali nhằm tăng sức mạnh cho cuộc tấn công do Pháp hậu thuẫn nhằm vào phiến quân Hồi giáo tại đây.
Tổng thống Mali Dioncounda Traore tại hội nghị thượng đỉnh Tây Phi bàn về Mali. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hội nghị này diễn ra ở thủ đô Abidjan (Abigiăng) của Cốt Đivoa, với sự tham dự của Tổng thống nước chủ nhà Alassane Ouattara, người giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thống lâm thời Mali Dioncounda Traore và Tổng thống CH Sát Idriss Deby Itno.
Phát
biểu khai mạc hội nghị,
Tổng thống Ouattara nêu rõ hiện là thời
điểm tốt nhất để các bên đưa ra cam kết sâu rộng trong cuộc chiến toàn diện
chống khủng bố ở Mali. Các cường quốc, tổ chức và các quốc
gia khác cần đưa ra cam kết mạnh mẽ về một chiến dịch quân sự nhằm thể hiện sự
đoàn kết với Pháp và châu Phi trong cuộc chiến này.
Trước đó, phát biểu trước khi tới dự hội nghị, Ngoại
trưởng Fabius cho hay các nước Tây Phi cần nhanh chóng đảm nhận vai trò
của Pháp làm tuyến đầu trong trận chiến với phiến quân Hồi giáo tại
Mali. Pháp đã hành động rất nhanh khi nhận thấy tình hình
Mali có nhiều diễn biến bất lợi, song đã đến lúc các nước trong khu vực phải
nhanh chóng vào cuộc.
Tính đến ngày 19/1,
Pháp đã triển khai 2.000 trên tổng số 2.500 lính bộ binh tới Mali để giúp binh
sĩ nước này chặn đứng đà tiến công của các tay súng phiến quân từ phía Bắc tràn
xuống. Trong khi đó, ECOWAS mới triển khai được 100 binh sĩ Togo trong tổng số
5.000 binh sĩ sẽ đưa tới quốc gia Tây Phi này.
Binh sĩ Pháp tuần tra gần Segou, Mali ngày 18/1/2013. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Trong số các nước cam kết gửi
quân, ngoài Togo, CH Chad gửi 2.000 quân, Nigeria cử 1.200 quân.
Liên minh châu Âu
(EU) trước đó cũng nhất trí triển khai Phái bộ huấn luyện của EU tại Mali
(EUTM) gồm 450 - 500 quân không tham chiến để giúp huấn luyện và tái cơ cấu
quân đội nước này. Dự kiến, nhóm tiền trạm của EUTM sẽ tới Mali ngay trong
một hai ngày tới trong khi đội huấn luyện quân sự sẽ tới vào trung tuần tháng
2.
Liên hợp quốc cho
biết đang triển khai lực lượng tới Mali
với dự kiến nhóm binh sĩ đầu tiên sẽ có mặt trong ngày 19/1 để giúp Mali khôi phục
trật tự hiến pháp và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Trước đó, dưới sự
yểm trợ của lực lượng bộ binh và máy bay Pháp, quân đội Mali đã tái chiếm được
thị trấn trọng yếu Konna ở miền Trung sau hơn một tuần rơi vào tay
phiến quân. Một số nguồn tin cũng cho biết binh sĩ Mali cũng đã chiếm lại được
thị trấn Diabaly, cách thủ đô Bamako 360 km về phía Đông
Bắc. Tuy nhiên, thông tin này lại bị Bộ Quốc phòng Pháp bác bỏ.
Konna và Diabaly là hai thị trấn giữ vị trí chiến lược trong cuộc chiến tại Mali hiện
nay, vì có thể giúp đẩy lùi nguy cơ các tay súng phiến quân tiến sâu hơn về
phía Nam và đe dọa thủ đô Bamacô
Mỹ rút nhân viên ngoại giao khỏi Mali
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố nước này "sẽ tiến hành mọi bước đi cần thiết để bảo vệ người dân" khỏi các mối nguy hiểm từ nhóm phiến quân có quan hệ với Al-Qaeda tại Châu Phi.
Ông Panetta cho biết Mỹ đánh giá cao việc Pháp ra tay giúp ngăn chặn nhóm Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các nước trong khu vực này và cố gắng hỗ trợ các nỗ lực của Pháp.
Trong khi chiến sự tại Mali đang diễn biến căng thẳng, ngày 18/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Bamako của Mali phải rời khỏi nước này càng sớm càng tốt.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời khuyến cáo các công dân nước mình không nên du lịch đến các quốc gia Tây Phi vì cuộc chiến tại Mali và hoạt động của các chiến binh Hồi giáo tại khu vực này có thể đe dọa tới tính mạng.
Cùng ngày, tờ "Thời báo Los Angeles" đưa tin Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang bất đồng về mối nguy hiểm của các nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát một phần lãnh thổ Mali cũng như gây bất ổn tại các khu vực khác ở Tây Phi.
Dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, báo cho biết các sự kiện tại Mali và nước láng giềng Angiêri đã gây ra cuộc tranh cãi gay gắt trong chính quyền Mỹ về việc liệu các nhóm cực đoan này có phải là một mối nguy hiểm đủ lớn để Mỹ phải có động thái quân sự đáp trả hay không.
Cụ thể, một số quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc muốn Mỹ có hành động mạnh tay hơn vì Mali có thể trở thành nơi ẩn náu cho các phần tử cực đoan, trong khi nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng lại lo ngại Mỹ bị cuốn vào cuộc xung đột với kẻ thù mơ hồ tại Mali vào thời điểm lực lượng nước này đang rút khỏi Ápganixtan.
TTXVN/Tin tức