Mỹ ra lệnh tịch thu máy bay 25 triệu USD thuộc Công ty Dầu khí Rosneft của Nga

Mỹ đã lấy được lệnh tịch thu một chiếc máy bay của công ty dầu khí Nga Rosneft do ông Igor Ivanovich Sechin lãnh đạo.

Chú thích ảnh
Ảnh: justice.gov

Theo kênh CNN, ngày 8/3, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố mở niêm phong, tịch thu một chiếc máy bay Boeing 737-7JU thuộc Công ty Dầu khí Rosneft của Nga.

Tòa án Mỹ phụ trách Quận phía Đông của New York đã cho phép tịch thu chiếc máy bay trên sau khi thấy có thể tịch thu dựa trên hành vi vi phạm Đạo luật Cải cách Kiểm soát Xuất khẩu (ECRA) và các lệnh trừng phạt Nga gần đây.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chiếc máy bay này trị giá khoảng 25 triệu USD. Kể từ khi phương Tây trừng phạt Nga, chiếc máy bay trên đã rời và vào Nga ít nhất 7 lần từ một nước khác và do đó vi phạm lệnh trừng phạt.

Ông Andrew Adams, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, nói: "Do vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ, Rosneft đã biến máy bay của mình thành hàng buôn lậu".

Luật sư Mỹ Breon Peace nói: "Hành động thực thi ngày hôm nay cho thấy các công ty và tài phiệt Nga phải trả giá khi trốn tránh các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt".

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) coi ông Igor Ivanovich Sechin là một trong những cố vấn thân cận và đáng tin cậy nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Từ năm 2022, các nước phương Tây có nhiều động thái tìm cách tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga để tái thiết Ukraine.

Thượng viện Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của các quan chức, doanh nhân và tổ chức Nga tại Mỹ, cũng như gửi số tiền thu được để tái thiết Ukraine.

Luật sửa đổi cho phép Bộ Tư pháp Mỹ bán bớt tài sản của các nhà tài phiệt và các tổ chức Nga bị trừng phạt, từ đó có tiền giúp đỡ Ukraine. Theo số liệu từ Hội đồng Tư vấn Atlantic, Mỹ đã trừng phạt hàng nghìn cá nhân, thực thể Nga.

Trong khi đó, tổng giá trị tài sản các cá nhân Nga bị đóng băng tại các quốc gia thành viên EU lên tới  20 tỷ USD. Song các quan chức Mỹ và EU vẫn chưa tìm ra cách hợp pháp nào để thu giữ những tài sản này, phần lớn được hình thành từ ngoại tệ.

Năm 2022, chính phủ Canada công bố kế hoạch tịch thu tài sản của tỉ phú Nga Roman Abramovich. Trong khi đó, EU tích cực thảo luận cách thu giữ tài sản của Nga ở nước ngoài một cách hợp pháp, bao gồm của nhà nước và tư nhân, đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt.

Để giúp việc thu giữ tài sản của các cá nhân Nga dễ dàng hơn, ngày 2/12/2022, EU đã đưa ra một đạo luật xác định việc giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt sẽ bị coi là phạm tội theo luật của EU. Tuy nhiên, theo một quan chức EU giấu tên, nếu không có mối liên kết với việc phạm tội rõ ràng, thì sẽ không thể tịch thu tiền thuộc về một cá nhân.

Về phần mình, Nga chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia phương Tây thu giữ tài sản của nước này. Chính quyền Moskva đã từng nhiều lần gọi ý định của EU nhằm tịch thu tài sản Nga là bất hợp pháp và cho rằng đó là hành vi trộm cắp.

Phản ứng lại, hồi tháng 7/2022, tỷ phú Roman Abramovich và các nhà tài phiệt khác của Nga đã khởi kiện EU tại một tòa án châu Âu. Nhóm doanh nhân này cáo buộc các lệnh trừng phạt xâm phạm quyền của họ. Thậm chí một số nhà tài phiệt còn đòi EU bồi thường.

Thùy Dương/Báo Tin tức
TikTok trấn an EU trước mối lo ngại về an ninh
TikTok trấn an EU trước mối lo ngại về an ninh

TikTok cho biết họ có kế hoạch xây dựng 3 cơ sở ở châu Âu để lưu trữ thông tin về 150 triệu người dùng trong khu vực, cam kết không chia sẻ thông tin với chính quyền Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN