Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo chính quyền Syria và các các “đồng minh” Nga và Iran rằng, tháng 8 tới là hạn chót để khởi động chuyển tiếp chính trị nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với những hệ quả từ “cách tiếp cận mới” của Mỹ đối với cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm này.
“Ngày mục tiêu cho quá trình chuyển tiếp là 1/8/2016. Giờ đã là tháng 5 rồi. Vậy thì phải có chuyển động nào đó trong vài tháng tới, nếu không thì quả thực họ đang đòi hỏi một tiến trình hoàn toàn khác”, ông Kerry phát biểu trước báo giới tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/5 sau hai cuộc gặp trước đó với đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cùng với Ngoại trưởng Nga diễn ra ở thủ đô Geneva và Moskva. Mục tiêu của các cuộc tiếp xúc này là khôi phục lệnh ngừng bắn ở Syria vốn đang có dấu hiệu đổ vỡ sau các cuộc giao tranh đẫm máu trong suốt 12 ngày qua tại Aleppo.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trước báo giới hôm 3/5. Ảnh: AFP |
Lên án cuộc tấn công của quân nổi dậy nhằm vào một bệnh viện ở Aleppo làm 20 người thiệt mạng hôm 3/5, Ngoại trưởng Mỹ vẫn hướng sự công kích nhằm vào ông Assad và hai đồng minh chủ chốt của Damascus là Nga và Iran. “Nếu ông Assad không tuân thủ điều kiện này, chắc chắn sẽ có những hệ quả không như mong muốn. Một trong số đó có thể là sự sụp đổ hoàn toàn của lệnh ngừng bắn, đi liền sau là chiến tranh tái phát. Tôi không nghĩ phía Nga mong muốn điều đó. Tôi không nghĩ ông Assad sẽ thu lợi từ xu hướng này. Thậm chí, còn có nhiều hệ quả phản đòn khác đang được thảo luận. Đó là chuyện trong tương lai”, ông Kerry bày tỏ.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cho biết ông và đồng cấp người Nga đang nỗ lực để đạt được các điều khoản chi tiết tạo lập lệnh ngừng bắn bền vững có hiệu lực ở Aleppo, tránh cho khu vực này khỏi thảm cảnh sụp đổ, bởi xung đột tại đây đang tiềm ẩn những yếu tố khó lường, có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Thế nhưng liền sau đó chính ông dường như cũng không mấy tin tưởng vào “thành công” khi bình luận rằng quân nổi dậy sẽ không bao giờ chấp nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Assad. “Nếu chiến lược của ông Assad theo cách nào đó cho rằng chỉ cần chiếm giữ Aleppo hoặc chiếm giữ một khu vực nào đó là giành phần thắng, thì tôi có tin cho các bạn và ông ta đây: Chiến tranh không kết thúc. Một khi ông Assad còn đó, phe đối lập sẽ không dừng giao tranh”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Trong các cuộc tiếp xúc với hai người đồng cấp Nga và Iran tại Moskva và Tehran, ông Kerry nhìn nhận xu thế lắng dịu sẽ không tồn tại tại lâu ở Syria nếu các bên không nhanh chóng tiến đến thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại quốc gia Trung Đông này, “vì đơn giản là ông Assad không có khả năng thống nhất đất nước”.
Aleppo đổ nát sau các cuộc giao tranh. Ảnh: AFP |
Hãng tin AP (Mỹ) bình luận, hiện chưa thể biết được “tối hậu thư” mà ông Kerry đưa ra có hiệu quả đến đâu. Lý do là bởi đã nhiều lần chính quyền Washington “thoái” lui sau khi đưa ra những lời đe dọa: Từ việc tuyên bố số phận ông Assad “chỉ còn tính bằng ngày”, cho tới hứa hẹn sẽ đánh đòn quân sự nhằm vào Syria một khi Damascus vượt “giới hạn đỏ” sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Tính đến thời điểm này, chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn bác bỏ khả năng can dự trực tiếp tại Syria và không có ý định tăng cường hiện diện quân sự vượt quá con số 300 lính đặc nhiệm. Truyền thông Mỹ nhìn nhận, kịch bản lớn nhất về cái gọi là “cách tiếp cận mới” mà ông Kerry đề cập nhiều khả năng chỉ là cùng với các đồng minh khác (ví như Saudi Arabia) tăng cường viện trợ vũ khí cho quân nổi dậy, trong đó có cả các hệ thống tên lửa phòng không.