Mạng tin tình báo Debka (Israel) tiết lộ thông tin này hôm 3/5, với bình luận đây là động thái mới nhất cho thấy Iran đang đẩy mạnh can dự quân sự ở Syria. Các nguồn tin thân cận với đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei hôm 1/5 nói rằng, việc tướng Firouzabadi tới Damascus để “đích thân giám sát chiến trường và tình hình biên giới đã được quyết định”. Tuy nhiên, họ không nói đường biên giới kia là giới hạn chiến tuyến bên trong lãnh thổ Syria hay ranh giới quốc gia với các nước láng giềng.
Xung đột tại Aleppo leo thang trong những ngày gần đây. Ảnh: AFP |
Theo Debka, trong khi phía Nga xem cuộc tiến công hiện nay của lực lượng hỗn hợp Nga-Syria-Iran-Hezbollah quanh Aleppo là bước can dự quân sự đỉnh điểm, thì Iran lại coi cuộc chiến ở Aleppo là tối quan trọng đối với tương lai của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, cũng như vị thế của Tehran ở Damascus. Giới lãnh đạo Iran cũng nhìn nhận, cuộc chiến quanh thành phố Damascus sẽ đóng vai trò then chốt quyết định đường biên giới của Syria, không chỉ đơn thuần ở phía bắc.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, Debka tiết lộ đã có sự khác biệt về quan điểm giữa Moskva và Tehran trong vấn đề này. Dường như sứ mệnh hàng đầu của tướng Firouzabadi là để bảo đảm ngay sau khi lực lượng hỗn hợp giành lại quyền kiểm soát Aleppo, cánh quân của Iran sẽ hướng tới các chiến dịch đánh lấn ở nhiều khu vực khác tại Syria, nơi có lợi ích chiến lược đối với Iran, nhưng không hẳn là với Nga. Một trong những điểm đó là ở miền nam Syria giáp giới Israel, Jordan.
Nói cách khác, Israel phải sẵn sàng cho kịch bản tham mưu trưởng quân đội Iran sẽ đích thân đảm trách nhiệm vụ triển khai, điều hành lực lượng của Iran, Syria và phái Hezbollah dọc biên giới giáp Cao nguyên Golan – Debka nhận định. Mới đây thôi, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Nentanyahu và giới tướng lĩnh Israel vẫn còn tin rằng, thông qua các cuộc tiếp xúc với ông Putin, Israel có thể nhận được lời bảo đảm về một biên giới phía bắc “an toàn”. Tuy nhiên, phán đoán này dường như đã không còn đúng, khi mà tướng Firouzabadi đích thân hiện diện ở Damascus.
Theo Debka, một lý do khác khiến Tehran phải điều động Tham mưu trưởng sang chỉ huy mặt trận quân sự ở Syria là do Iran một tháng trước đó đã phái một lực lượng lớn các đơn vị đặc nhiệm quân chính quy. Cụ thể, sự hiện diện tại Syria của Lữ đoàn đổ bộ đường không số 65 thuộc Lực lượng đặc nhiệm NOHED khiến nhiều người “lo ngại”. Số binh sĩ này sẽ là lực lượng nòng cốt trong liên minh Iran-Syria-Hezbollah trong cuộc vây giáp, đánh chiếm Aleppo với hình thái chiến tranh đường phố mà ở đó quân đặc nhiệm luôn ở tuyến đầu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, chính quyền Iran đưa lực lượng chính quy ra nước ngoài tham chiến. Debka bình luận, giới chức quân sự Iran-Nga dường như đã đạt thỏa thuận về trận đánh lớn Aleppo. Theo đó, hỏa lực không quân kết hợp pháo hạng nặng của Nga có nhiệm vụ đánh phá, làm mềm chiến trường, tạo điều kiện để quân đội Iran, Syria và Hezbollah tiến quân trên thực địa. Sau khi bao vây toàn bộ Aleppo, một cuộc tấn công tổng lực sẽ được phát động.
Giao tranh đẫm máu tại Aleppo giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad và các phe nhóm nổi dậy bùng phát mạnh từ hôm 22/4 tới nay, đẩy lệnh ngừng bắn do Nga – Mỹ bảo trợ bị vô hiệu tại khu vực này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 4/5 dự kiến sẽ họp khẩn để thảo luận về leo thang xung đột ở Aleppo, giữa lúc Mỹ và Nga đang nỗ lực đưa lệnh ngừng bắn có hiệu lực ở khu vực này.