Theo phóng viên TTXVN Washington, trong một tuyên bố, Văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ cho biết: “Phó Tổng thống Harris và Tổng thống Macron đã nhất trí cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu...”.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về nhiều thách thức trong khu vực, bao gồm cả những thách thức ở Trung Đông và châu Phi và sự cần thiết phải giải quyết các thách thức cùng nhau.
Trước đó, đầu tháng này, Phó Tổng thống Harris cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đây là cuộc gọi đầu tiên của bà Harris cho một nhà lãnh đạo nước ngoài với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ.
Cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron, lãnh đạo quốc gia là thành viên Các nước công nghiệp phát triển (G7), cho thấy bà Harris giữ vai trò nhất định trong chính sách đối ngoại, lĩnh vực mà bà có ít kinh nghiệm hơn so với Tổng thống Joe Biden. Trong thời gian vừa qua, bà thường xuất hiện trong rất nhiều sự kiện của Tổng thống Biden.
Trước đó, ngày 4/2, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại với cam kết về một kỷ nguyên mới đối với nước Mỹ sau khi người tiềm nhiệm Donald Trump triển khai chính sách ngoại giao "không có hệ thống". Ông khẳng định nước Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các thể chế quốc tế và giành lại uy tín và quyền lực đạo đức.
Bài phát biểu của ông Biden đã thể hiện rõ sự khác biệt so với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là việc "hàn gắn" mối quan hệ đồng minh vốn bị tổn thương dưới chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Biden khẳng định mối quan hệ đồng minh là trong số tài sản quý giá nhất của nước Mỹ, đồng thời cam kết Washington sẽ sát cánh với những nước này trong nhiều vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Theo ông, nước Mỹ không thể "vắng mặt" lâu hơn nữa trên trường quốc tế.