Mỹ phản đối vụ Pháp bán tàu chiến cho Nga

Ngày 22/7, phản ứng trước việc Pháp tiếp tục theo đuổi thương vụ bán tàu chiến lớp Mistral cho Nga, Mỹ tuyên bố vụ việc này là điều hoàn toàn không thích hợp, nhất là trong bối cảnh các nước phương Tây đặt dấu hỏi về vai trò của Moskva trong cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Phát biểu trước báo giới, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tiếp tục bày tỏ quan ngại về thương vụ mua bán khí tài quân sự này và cho rằng không nên có nước nào đó cung cấp vũ khí cho Nga, đặc biệt là vào thời điểm nhạy cảm hiện nay. Bà nêu rõ giới chức Washington đã không dưới một lần thể hiện sự phản đối của mình đối với thương vụ này.

Theo hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương với 1,4 tỷ USD) được ký kết từ năm 2011, Pháp sẽ bán 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga với chiếc đầu tiên có tên "Vladivostok" dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới, trong khi việc bàn giao chiếc thứ hai là "The Sevastopol" sẽ được triển khai vào năm 2015.

Tàu chiến Vladivostok.


Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã để ngỏ khả năng hủy hợp đồng trên. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/7 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định tiếp tục thực hiện hợp đồng đã cam kết với Nga.

Tàu chiến lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công mới của Hải quân Pháp, dài 210 mét và có thể đạt tốc độ 18 hải lý/giờ, có khả năng chở 16 trực thăng, 4 tàu đổ bộ, 70 xe bọc thép và 450 quân nhân. Tàu sẽ được dùng làm tàu chỉ huy, đổ bộ tấn công, hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.

Anh vẫn xuất khẩu vũ khí sang Nga

Anh vẫn đang xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự sang Nga. Thông tin này nằm trong báo cáo của Ủy ban quản lý xuất khẩu vũ khí thuộc Hạ viện Anh công bố ngày 23/7, chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng nước này David Cameron lên tiếng chỉ trích Pháp bán vũ khí cho Nga.

Theo báo cáo trên, các giấy phép xuất khẩu súng bắn tỉa, đạn dược, vũ khí loại nhỏ, áo giáp, thiết bị liên lạc quân sự, ống ngắm ban đêm và "trang thiết bị sử dụng mật mã" vẫn có hiệu lực. Chỉ có 31 giấy phép bị đình chỉ hoặc thu hồi và 3 giấy phép khác không cho phép xuất khẩu sang Nga nữa. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy còn tới 251 giấy phép có hiệu lực liên quan tới việc bán cho Nga các mặt hàng có kiểm soát, trị giá ít nhất 132 triệu bảng Anh (225 triệu USD).

Giống như Mỹ, Anh cũng tỏ ra nghi ngại về quyết định của Pháp tiếp tục hợp đồng cung cấp 2 tàu chiến Mistral trị giá 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD) cho Nga. Thủ tướng Cameron đã lên tiếng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cấm bán vũ khí cho Nga trong bối cảnh căng thẳng hiện nay liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hồi tháng 3, Chính phủ Anh đã cam kết ngừng xuất khẩu vũ khí sang Nga. Tuy nhiên, báo cáo mới công bố của Ủy ban Hạ viện Anh dường như mâu thuẫn với tuyên bố trên của chính phủ Anh.

Từ trước đến nay Phương Tây vẫn cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, điều mà Nga đã nhiều lần bác bỏ.


TTXVN/Tin tức



Mỹ quan ngại thương vụ tàu chiến Pháp-Nga
Mỹ quan ngại thương vụ tàu chiến Pháp-Nga

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ một số quan ngại với Pháp về việc Paris bán tàu chiến cho Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN