Mỹ phản đối đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp hai nhà nước trên đảo Cyprus

Ngày 21/7, giới chức Mỹ đã phản đối đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về giải pháp hai nhà nước cho đảo Cyprus, đồng thời hối thúc các bên liên quan tiếp tục nỗ lực thống nhất hòn đảo này.

Chú thích ảnh
Hàng rào thép gai phong tỏa khu nghỉ dưỡng Varosha ở thị trấn Famagusta, CH Cyprus ngày 16/7/2021. Khu nghỉ dưỡng ven biển này bị coi là "thị trấn ma" kể từ sau cuộc chiến tranh giữa Cyprus với Thổ Nhĩ Kỳ khiến quốc đảo này chia thành hai nửa năm 1974 và bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa bằng hàng rào thép gai. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong chuyến thăm thành phố Nicosia của đảo Cyprus ngày 20/7 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi thực hiện giải pháp hai nhà nước, bất chấp Liên hợp quốc ủng hộ mục tiêu thống nhất. Ông Erdogan cũng thúc đẩy kế hoạch mở lại khu nghỉ dưỡng bị bỏ hoang Varosha ở Cyprus.

Phát biểu tại phiên điều trần tại Thượng viện, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị, bà Victoria Nuland nói: “Chúng tôi cho rằng chỉ có tiến trình do người Cyprus - hai chính quyền, hai cộng đồng - sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho hòn đảo này”. Bà Nuland cho biết đã thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara ngày 21/7 để hối thúc chính quyền nước này đảo ngược quyết định nói trên.  

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng có cuộc hội đàm riêng với người đồng cấp Cyprus Nikos Christodoulides và lên án thông báo của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là “không thể chấp nhận được và không phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”. Ông Blinken cũng nói rằng chính quyền Mỹ đang thúc đẩy HĐBA LHQ phản ứng mạnh về vấn đề này.

Phát biểu một ngày sau chuyến thăm của ông Erdogan, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias cũng bày tỏ phản đối những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và với Liên minh châu Âu sẽ không cải thiện chừng nào Ankara tiếp tục “những hành động phi pháp” trên đảo Cyprus.

Cộng hòa Cyprus ở Địa Trung Hải bị chia đôi vào năm 1974 khi một cuộc đảo chính do Chính phủ Hy Lạp hậu thuẫn phải đối mặt với hành động can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến việc chia cắt đảo quốc này thành hai miền.

Miền Bắc tự xưng là Cộng hòa Bắc Cyprus, vốn chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn xem vùng lãnh thổ này thuộc Cộng hòa Cyprus. Các cuộc đàm phán về việc thống nhất hòn đảo đã bị đình trệ kể từ năm 2017.

Nằm ở vùng đất giữa hai phần Nam và Bắc bị chia cắt, khu nghỉ mát nổi tiếng Varosha thuộc thành phố cổ Famagusta, nơi từng thu hút khách du lịch khắp thế giới nhưng bị bỏ hoang từ nhiều chục năm nay do lệnh cấm lui tới.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Đàm phán giữa 2 cộng đồng đối địch trên đảo Cyprus không đạt được đột phá
Đàm phán giữa 2 cộng đồng đối địch trên đảo Cyprus không đạt được đột phá

Lãnh đạo 2 cộng đồng đối địch trên đảo Cyprus đã thể không tìm được tiếng nói chung trong các cuộc đàm phán giải quyết sự chia cắt đã kéo dài hàng thập kỷ qua. Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đưa ra ngày 29/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN