Hiện Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực làm trung gian hòa giải nhằm đi đến một thỏa thuận cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, gần 6 thập kỷ kể từ lần đầu tiên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. TTK LHQ Antonio Guterres đã tới Geneva giám sát các cuộc đàm phán không chính thức theo nhiều hình thức khác nhau trong 3 ngày, song các bên đã không thể giải quyết những khác biệt về quan điểm giữa 2 cộng đồng này.
Tham dự các cuộc đàm phán có người đứng đầu cộng đồng người gốc Hy Lạp Nicos Anastasiades, người đứng đầu cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ersin Tatar, cùng các Ngoại trưởng Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh - 3 nước bảo đảm cho nền độc lập năm 1960 của hòn đảo này - cùng với LHQ.
Phát biểu với báo giới, TTK LHQ nêu rõ các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung nhằm nối lại các cuộc đàm phán chính thức nhằm giải quyết vấn đề của Cyprus. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không bỏ cuộc.
Theo ông Gutteres, cộng đồng người gốc Hy Lạp muốn thành lập một khu vực hai cộng đồng, với 2 chính quyền cùng hoạt động với sự bình đẳng chính trị, trong khi cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ muốn một giải pháp dựa trên 2 chính quyền cùng hợp tác với nhau. Các bên tham dự cuộc họp này sẽ gặp lại nhau trong vòng từ 2-3 tháng, với mục tiêu đi đến điểm chung cho phép bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết mặc dù các bên không đạt được điểm chung, song ông vẫn hoan nghênh việc các bên nhất trí gặp lại nhau trong tương lai gần. Anh sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các bên nhằm đạt được giải pháp công bằng và lâu dài.
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus." Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý.