Theo kênh CNN và hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Mỹ tạm thời đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Kiev và chuyển cơ quan ngoại giao này về thành phố Lviv, miền Tây Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Blinken, nguyên nhân là Washington lo ngại “việc Nga gia tăng mạnh các lực lượng” ở biên giới Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Blinken, nguyên nhân là Washington lo ngại “việc Nga gia tăng mạnh các lực lượng” ở biên giới Ukraine. Ông Blinken nói: “Đại sứ quán Mỹ ở Kiev vẫn giữ liên lạc với Chính phủ Ukraine, điều phối các nỗ lực ngoại giao tại nước này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Các biện pháp mang tính đề phòng này của chúng tôi không làm suy giảm sự ủng hộ hay cam kết của Mỹ đối với Ukraine”.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh am hiểu vụ việc cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đạo phá hủy các thiết bị mạng và máy vi tính, đồng thời dỡ bỏ hệ thống điện thoại tại Đại sứ quán ở Kiev.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby ngày 14/2 thông báo các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ, những người có mặt tại Ukraine để làm cố vấn, đã rời khỏi quốc gia Đông Âu, song quân đội Mỹ vẫn duy trì hiện diện với quy mô nhỏ cùng các nhân viên ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu rõ: "Thông tin tôi có thể cung cấp là (các binh sĩ) thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida, họ chắc chắn đã di dời, trong khi quân đội vẫn hiện diện với quy mô nhỏ tại Ukraine liên quan tới hiện diện ngoại giao của chúng tôi".
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh mong muốn nhân viên của Mỹ sẽ trở lại Đại sứ quán ngay khi có điều kiện, cũng như kêu gọi các công dân Mỹ ở Ukraine đăng ký với Bộ Ngoại giao để theo sát bất kỳ diễn biến mới nào về tình hình an ninh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đang được lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine canh gác và Mỹ có ý định quay trở lại Đại sứ quán “ngay khi thấy an toàn”.
Cuối tuần trước, Chính phủ Mỹ đã hối thúc những người Mỹ vẫn còn ở Ukraine rời khỏi đất nước trong vòng 48 đến 72 giờ. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó gửi thêm một thông báo trên Twitter rằng công dân nước này có thể nhập cảnh Ba Lan qua biên giới đất liền với Ukraine, lưu ý rằng không cần phê duyệt trước ngoài hộ chiếu hợp lệ của Mỹ và bằng chứng tiêm chủng ngừa COVID-19. Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết tổng số bao nhiêu người Mỹ và thường trú nhân hợp pháp ở Ukraine, vì những nhóm này không bắt buộc phải đăng ký với chính phủ Mỹ khi ở nước ngoài.
Hãng thông tấn TASS cho biết Đại sứ quán Nga tại Kiev (Ukraine), ngày 12/2 thông báo các nhà ngoại giao Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ trên lãnh thổ Ukraine. Đại sứ quán Nga ở Kiev khẳng định vẫn làm việc như bình thường và không có quyết định sơ tán một phần, mặc dù Bộ Ngoại giao đang xem xét việc này.
Một nhân viên của Đại sứ quán Nga tại Kiev khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang làm việc của mình". Đại sứ quán Nga tại Kiev trước đó cho biết đang xem xét việc để những nhân viên không thiết yếu rời khỏi Ukraine.
Các phái bộ ngoại giao của một số quốc gia tại Ukraine gần đây đã ra thông báo sơ tán nhân viên của họ hoặc đang cân nhắc khả năng này với lý do căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine. Mỹ, Anh, Đức và Australia đã công bố kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán tại Kiev. Nhiều quốc gia khác như Canada, Phần Lan, Latvia, Hà Lan, Estonia, Nhật Bản, New Zealand cũng đã kêu gọi công dân của họ lập tức rời Ukraine.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga và phương Tây thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine.
Phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Theo quan điểm của Moskva, việc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine cũng đang đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.