Sau nhiều thập kỉ phải hứng chịu chiến tranh thông tin, Mỹ đang tìm cách trở thành bậc thầy trong trò chơi này theo cách của riêng mình. Trong vài tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục chi tiết hóa hoạt động di chuyển của lực lượng đặc nhiệm Nga áp sát biên giới Ukraine, tung bằng chứng video để khẳng định Nga có kế hoạch “tạo cớ” làm tiền để để can thiệp quân sự ở nước láng giềng, vạch hướng kế hoạch chiến tranh của Moskva và cảnh báo thảm họa hàng chục nghìn người thiệt mạng trong trường hợp nổ ra chiến sự.
Đỉnh điểm là việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cuối tuần trước khẳng định trước báo giới rằng Mỹ nhận thấy có nhiều tín hiệu về leo thang can thiệp của Nga và Moskva có thể tung đòn quân sự vào “bất kỳ lúc nào”. Một số quan chức khác cho biết thông báo này được đưa ra dựa trên thông tin tình báo cảnh báo một cuộc tiến công quân sự có thể xuất hiện, sớm nhất là trong ngày 16/2.
Tựu trung lại, công bố thông tin dồn dập vừa qua cho thấy tình báo Mỹ đã giải mật thông tin ở cấp độ chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hồi năm 1962. Đây là bước đi hiếm thấy, một phần là bởi ông Biden liên tục nhắc lại luận điểm Mỹ không có ý định gửi quân tới hỗ trợ Ukraine. Trên thực tế, Mỹ đang cảnh báo thế giới về một mối đe dọa cấp bách mà mục đích không phải là “vẽ đường”, mà là ngăn chặn một cuộc chiến tranh.
Nhà Trắng nuôi hy vọng việc tiết lộ thông tin về kế hoạch của Tổng thống Putin sẽ làm đứt gãy ý định của Moskva, hoặc ít nhất cũng trì hoãn một cuộc tấn công từ Nga, tạo thêm không gian và thời gian cho giải pháp ngoại giao, hoặc tạo điều kiện để ông Putin tính toán, xem xét lại những hệ quả chính trị, kinh tế, sinh mạng mà một cuộc chiến như vậy có thể gây ra.
Cùng lúc, quan chức trong chính quyền Mỹ khẳng định họ theo đuổi một mục tiêu thu gọn và thực tế hơn: Đó là gây khó dễ cho phía Nga trong biện minh về hành động can thiệp quân sự, làm suy yếu vị thế, hình ảnh của ông Putin và nước Nga trên trường quốc tế, thiết lập ủng hộ, hẫu thuẫn rộng rãi cho đòn đáp trả cứng rắn nhằm vào Nga.
Như một lẽ tất yếu, được sự đồng ý từ Nhà Trắng, các cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ công bố thông tin giải mật; phổ biến, tóm tắt thông tin, diễn biến tới các nghị sĩ quốc hội; chia sẻ với báo chí, truyền thông, để phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc ra thông báo.
Công bố, phổ biến thông tin tình báo kiểu như vậy có một lịch sử phức tạp. Mỹ dưới thời tổng thống Bush từng bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã sử dụng thông tin tình báo sai lệch, lấy cớ để mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iraq hồi năm 2003. Nhưng tình hình hiện này có sự khác biệt. Tuyên bố của Washington về tăng cường binh lực của Nga áp sát biên giới Ukraine được củng cố bằng ảnh chụp vệ tinh thương mại có độ phân giải cao – điều mà trước đây chưa từng tồn tại. Quan trọng hơn, Iraq thời điểm 2003 khác với Ukraine năm 2022: “Tại Iraq, thông tin tình báo được sử dụng để khởi động chiến tranh. Còn hiện tại, chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến”, ông Sullivan phát biểu ngày 11/2.
Trong biến cố Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 (nhưng vẫn chưa được phương Tây công nhận), giới chức tình báo Mỹ đã chặn chính quyền Tổng thống Barack Obama chia sẻ thông tin mà cộng đồng tình báo Mỹ thu được. Giờ đây, chính quyền Joe Biden đã nghiên cứu kỹ những sai lầm như vậy. Việc Mỹ tiết lộ thông tin tình báo cho thấy ảnh hưởng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Avril D. Haines và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns – những người tỏ ra sẵn sàng giải mật thông tin, coi đó là một phần nỗ lực để phá kế hoạch của Nga.
“Chúng tôi rút ra được nhiều điều, đặc biệt là kể từ sau thời điểm sau năm 2014. Đó là bài học về việc Nga sử dụng không gian thông tin như là một phần trong tổng thể cơ cấu, tổ chức về an ninh, quân sự”, Emily J. Horne, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, chia sẻ.
Chính quyền Ukraine tỏ rõ sự khó chịu trước công bố thông tin từ phía Mỹ. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12/2 cho rằng Mỹ đã đưa ra “quá nhiều thông tin” về khả năng Nga mở cuộc tấn công quân sự, một việc làm gieo rắc lo sợ không cần thiết. Về phần mình, Mỹ không cung cấp bằng chứng về ý đồ về chiến dịch thông tin sai lệch từ Nga mà cộng đồng tình báo Mỹ phát hiện ra. Mỹ lý giải không muốn chia sẻ chi tiết, bởi việc làm này sẽ khiến Nga nắm được cách thức hoạt động của tình báo Mỹ, bịt những lỗ hổng có thể đến từ phía Nga.
Phía Nga cũng đã nhanh chóng phản ứng chính thức trước chính cuộc chiến thông tin từ Mỹ. Ngay sau bình luận của ông Sullivan hôm 11/2, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cáo buộc Mỹ tiến hành “một cuộc tấn công thông tin có điều phối nhằm hủy hoại và làm mất uy tín về những yêu sách công bằng của Moskva về bảo đảm an ninh”.
Tuy nhiên, nguy cơ lộ lọt kỹ thuật thu thập tin tức của cộng đồng tình báo Mỹ là có thực. Giới phân tích nhận định chiến lược “giải mật” thông tin của không phải là việc làm hoàn toàn không rủi ro. Điện Kremlin có thể đóng chặt mọi hình thức trao đổi thông tin, truyền tin quân sự ngay trước thời điểm mở một cuộc tấn công tiềm tàng. Nếu biết được nguồn lộ lọt thông tin, Nga sẽ thay đổi cách thức, hình thức thông tin liên lạc, “làm mù” tình báo kỹ thuật của Mỹ, ở thời điểm Mỹ cần thông tin nhất.