Mỹ nỗ lực đưa hàng chục nghìn công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước

Ngày 28/4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hơn 300 hành khách đã từ Cuba về đến Miami vào cuối tuần qua, một phần trong những nỗ lực đưa hàng chục nghìn người Mỹ bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước trong bối cảnh đóng cửa biên giới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Chú thích ảnh
Máy bay của Hãng hàng không American Airlines tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, người đứng đầu nhóm đặc trách hồi hương của Bộ Ngoại giao Mỹ  Ian Brownlee cho biết hành khách đến từ Cuba bao gồm các công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem xét khoảng 13.000 công dân Mỹ ở nước ngoài yêu cầu sự giúp đỡ của Bộ này để trở về nước, với phần lớn ở châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Pakistan.

Các chuyến bay từ Cuba là một phần trong nỗ lực chung của lực lượng này nhằm hồi hương người Mỹ, đã đưa về nước tổng cộng 71.538 công dân Mỹ từ 127 quốc gia trên thế giới kể từ cuối tháng 1 vừa qua. Hàng nghìn công dân Mỹ khác đã trở về nước trên các chuyến bay nhân đạo được các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty tư nhân tổ chức. Ông Brownlee nhấn mạnh nhiệm vụ hồi hương công dân từ Cuba là thách thức đặc biệt và cho biết họ đã phối hợp với những nỗ lực của một nhân viên lãnh sự duy nhất. Không có thêm thông tin chi tiết nào được cung cấp về những công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp đang làm việc ở Cuba.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cho rằng "những ngày tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19 đã qua khi ông chào đón một nhóm chủ doanh nghiệp nhỏ đến Nhà Trắng - những người được nhận hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình cho vay khẩn cấp mà ông đã ký thành luật hồi tháng trước.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump đã tỏ ra lạc quan về con đường của nước Mỹ đối với sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và hàng triệu lao động bị mất việc trên khắp đất nước do các sắc lệnh yêu cầu ở nhà được các bang công bố.

Nhà Trắng đang tìm cách tập trung nỗ lực để vực dậy nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 giảm bớt và các bang bắt đầu nới lỏng các hạn chế từng được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Một số bang đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong những tuần tới để mở lại nền kinh tế, ngay cả khi vẫn còn những hoài nghi về năng lực liên quan đến xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trước đó, ngày 27/4, một quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ có thể dễ dàng xét nghiệm 8 triệu người Mỹ trong tháng 5, khi Nhà Trắng công bố chi tiết chiến lược xét nghiệm trên toàn quốc, trong đó chủ yếu ủy thác trách nhiệm cho các bang tăng cường xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy ở thành phố Vernon, Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết ngành bán lẻ đường phố, chế tạo và những nơi làm việc có nguy cơ thấp mắc COVID-19 sẽ nối lại hoạt động trong vài tuần tới khi hoạt động xét nghiệm và truy dấu được cải thiện. 

Thống đốc Newsom cho biết các trường học ở bang này có thể bắt đầu niên học 2020 vào tháng 7 để học bù do các trường học bị đóng cửa và cho phép một lực lượng lao động lớn hơn trở lại làm việc.     Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao như tiệm làm móng và các hoạt động trình diễn như hòa nhạc, các cuộc tụ tập đông người sẽ phải mất hàng tháng trước khi mới được bắt đầu trở lại.  Theo quan chức phụ trách y tế bang, Sonia Angell, các hoạt động kinh doanh  không thiết yếu, trung tâm chăm sóc trẻ em cùng một số công viên sẽ mở cửa trở lại trong giai đoạn đầu tiên mở cửa dần nền kinh tế của bang này.  

Thống đốc Newsom là một trong những thống đốc bang đầu tiên ở Mỹ ban bố sắc lệnh yêu cầu "ở nhà" trên toàn bang. Thống đốc Newsom vẫn chưa ấn định thời gian sắc lệnh này hết hiệu lực và cho biết ông sẽ hợp tác với chính quyền bang Oregon và Washington để mở cửa trở lại nền kinh tế sau khi bang đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn liên quan tới dịch COVID-19 như truy dấu tiếp xúc trên toàn bang nhằm xác định người có thể mắc bệnh.

Minh Châu  (TTXVN)
Những thách thức đầu tiên của cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng COVID-19 ở Mỹ
Những thách thức đầu tiên của cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng COVID-19 ở Mỹ

Các công ty dược phẩm đang chạy đua với một tốc độ chóng mặt để phát triển một loại vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19, nhưng họ cũng nhanh chóng vấp phải những thách thức trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng, năng lực sản xuất và sự phê chuẩn của chính phủ liên bang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN