Trong một tuyên bố, ông Kirby khẳng định quân đội Mỹ đã không nổ súng nhằm vào người dân Afghanistan hay bất cứ đối tượng nào. Ông cho biết thêm số lượng binh sĩ Mỹ có mặt tại sân bay quốc tế Hamid Kazai ở thủ đô Kabul hiện đã lên tới 4.500 người và dự kiến trong 24 giờ tới sẽ có thêm hàng trăm binh sĩ Mỹ được triển khai tới đây.
Trong một tuyên bố riêng, một đại diện của Taliban cho biết các chỉ huy quân đội và thành viên của lực lượng này đã phải bắn chỉ thiên trong ngày 18/8 để giải tán đám đông tại sân bay trên. Nhân vật này cũng khẳng định rằng Taliban không có ý định làm ai bị thương. Đại diện của Taliban cho biết tình trạng hỗn loạn tiếp diễn bên ngoài khu vực sân bay trong bối cảnh các nước đẩy nhanh nỗ lực sơ tán công dân và người Afghanistan từng hỗ trợ cho hoạt động của quân đội các nước trong thời gian gần 20 năm đồn trú tại quốc gia Tây Nam Á này.
Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley sẽ có cuộc họp báo về những diễn biến mới nhất tại Afghanistan vào lúc 19h ngày 18/8 (giờ GMT, tức 2h sáng 19/8 theo giờ Việt Nam).
Liên quan đến vấn đề sơ tán, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, Gregory Meeks cho rằng nếu cần thiết, quân đội Mỹ có thể duy trì hiện diện tại Afghanistan cho đến sau ngày 31/8 – thời hạn rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã được đặt ra, để hoàn thành công tác sơ tán.
Trong tình cảnh hiện nay của Afghanistan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hoạt động cứu trợ nhân đạo tại đây có thể bị gián đoạn, đồng thời cho rằng hệ thống y tế vốn đã mỏng manh do dịch COVID-19 đang rơi vào tình trạng hết sức yếu kém. Theo WHO, điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Afghanistan, đặc biệt những người đã phải sơ tán lánh nạn trong suốt thời gian xung đột gia tăng gần đây.
WHO kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và bảo vệ dân thường, nhân viên y tế, bệnh nhân và cơ sở khám chữa bệnh.
Báo cáo của WHO cho biết từ tháng 1 đến tháng 7, có 26 cơ sở y tế bị tấn công và 12 nhân viên y tế bị sát hại. Thực tế này khiến việc đảm bảo an ninh tại các cơ sơ y tế tại Afghanistan trở thành một thách thức lớn.
Đức, Phần Lan, và Thụy Điển ngày 17/8 tuyên bố từ bây giờ, các nước này sẽ ngừng viện trợ tới Afghanistan. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vẫn chưa có bất cứ thông báo nào, song hai thể chế tài chính này có thể đóng băng các khoản viện trợ tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động cứu trợ tại Afghanistan trong thời gian tới sẽ bị thu hẹp.
Tuy nhiên, WHO khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục vận hành tại Afghanistan. Cơ quan này lưu ý tại thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn khác, số ca mắc bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng, huyết áp cao, những người mắc triệu chứng COVID-19.... sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do đó, WHO cho rằng cần có sự đảm bảo ngay lập tức về việc duy trì các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trên cả nước với trọng tâm bảo đảm phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ y tế.