Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tham dự cuộc hội đàm có Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Jung Pak, Vụ trưởng Vụ các vấn đề hạt nhân Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jun-il và Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hiroyuki Namazu. Tại cuộc hội đàm, các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác ba bên chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như tái khởi động đối thoại với Bình Nhưỡng.
Bên lề NEACD, cùng ngày, bà Jung Pak cũng đã hội đàm với đặc phái viên Trung Quốc phụ trách các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming). Bà Jung Pak nhấn mạnh Washington coi "ngoại giao và đối thoại" với Triều Tiên là phương thức khả thi duy nhất đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp giữa hai đặc phái viên hạt nhân Mỹ-Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh hồi cuối tháng 4, trong đó hai bên nhất trí duy trì đường dây liên lạc mở, bất chấp sự khác biệt về một loạt vấn đề gai góc.
Cũng bên lề NEACD, đặc phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc Lee Jun-il đã tiến hành hội đàm riêng rẽ với ông Lưu Hiểu Minh và bà Jung Pak.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tại cuộc hội đàm với ông Lưu Hiểu Minh, hai đặc phái viên Hàn-Trung đã trao đổi đánh giá về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, cũng như quan điểm về cách thức giải quyết các vấn đề trên bán đảo. Trong khi đó, tại cuộc hội đàm với bà Jung Pak, hai bên đã nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ trong bối cảnh kiên quyết thực hiện mục tiêu chung hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục liên lạc với Trung Quốc ở mọi cấp độ trong vấn đề Triều Tiên.
NEACD là diễn đàn đối thoại an ninh thường niên, quy tụ các quan chức chính phủ và chuyên gia dân sự của Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên và Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Nga và Triều Tiên có tham dự diễn đàn diễn ra tại Tokyo này hay không. Triều Tiên tham dự NEACD lần gần đây nhất vào năm 2016.