Mỹ nhận diện nguyên nhân khiến phi công F-22 chóng mặt

Không quân Mỹ đã chuẩn bị kết thúc cuộc điều tra về nguyên nhân khiến một số phi công lái máy bay chiến đấu F-22 bị chóng mặt và mất phương hướng khi điều khiển loại chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ. Các chú "Mãnh điểu" F-22 cũng có thể sẽ nối lại hoạt động vào cuối năm nay.

 

F-22 Raptor - máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình thế hệ 4 của Mỹ. Ảnh Internet.

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tối 14/6 (giờ Mỹ), Đại tướng không quân Charles Lyon cho biết, ông “lạc quan thận trọng” về cuộc điều tra nhằm nhận diện những nhân tố chính gây ra triệu chứng thiếu ôxy ở một số phi công điều khiển máy bay F-22, do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo.

 

Những nhân tố này bao gồm kích thước của ống vòi cung cấp khí ôxy cho phi công, các khớp nối giữa các thiết bị và áo chẽn áp lực, giữ cho phi công an toàn ở độ cao lớn, đặc biệt khi mặc cùng với những trang phục nặng khác.

 

Tướng Lyon cho biết, Không quân Mỹ đã gần đi đến loại bỏ giả thuyết cho rằng, một số chất gây ô nhiễm đã lọt vào hệ thống cung cấp oxy của máy bay, và hồi tháng 4, họ đã ngừng yêu cầu phi công sử dụng thiết bị lọc hóa chất sau khi nhận thấy nó khiến họ khó thở hơn. Theo ông, vẫn có khả năng một số nhân tố khác sẽ lộ diện trong tháng tới và Không quân Mỹ chưa vội vã đưa ra kết luận cuối cùng.

 

Hồi tháng 5, Lầu Năm góc đã thông báo những lưu ý mới về an toàn đối với F-22, loại máy bay chiếu đấu tàng hình tiên tiến nhất của Mỹ, trong đó có giới hạn độ dài hành trình mà nó có thể bay.

 

Không quân Mỹ vẫn tiếp tục điều tra vấn đề nói trên, nhưng hồi đầu tuần này đã thông báo các phi công phải ngừng mặc loại áo chẽn áp lực có khả năng bị lỗi, một yếu tố bị nghi ngờ liên quan đến sự cố chóng mặt trong các chuyến bay tập luyện và hoạt động thường ngày của phi công F-22.

 

Không quân Mỹ đã cho ngừng bay F-22 trong 5 tháng năm 2011 và chỉ nối lại các chuyến bay vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên, mối lo ngại về loại chiến đấu cơ này lại bùng nổ trở lại trong năm nay khi hồi tháng 5, hai phi công Mỹ là Josh Wilson và Jeremy Gordon phát biểu trên chương trình “60 phút” của đài CBS rằng họ đã phải xin thôi lái F-22 do lo ngại về độ an toàn.

 

Trước cuộc phỏng vấn, hai phi công này đã đưa ra điều kiện là một nghị sĩ phải đưa họ tới trường quay. Họ cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu như không có luật sư làm đại diện, họ sẽ có thể phải mất việc, thậm chí nhiều hơn thế.

 

Mới đây nhất, hôm 14/6, hai nghị sĩ Mỹ thông báo, những số liệu mới của Không quân cho thấy, các phi công F-22 đã bị những triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu oxy (giảm oxy huyết) với tần suất cao gấp 10 lần mức độ gặp phải ở các chiến đấu cơ khác của Mỹ.

 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner và Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger cho rằng, theo số liệu của Không quân, đã xảy ra trên 26 sự cố thiếu ôxy /100.000 giờ bay của F-22, một tỉ lệ “cao ít nhất gấp 10 lần so với bất cứ máy bay chiến đấu nào khác của Mỹ”, chẳng hạn, với máy bay A-10, chỉ có 0,7 sự cố chóng mặt/100.000 giờ bay; 2,34 với F-15E (do Boeing chế tạo) và 2,96 sự cố/100.000 giờ bay với F-16 mẫu Block 50.

 

“Chương trình F-22 cho đến nay đã tiêu tốn 80 tỉ USD, nhưng loại chiến đấu cơ đắt tiền nhất trên thế giới này sẽ trở thành vô dụng nếu chúng ta không đảm bảo được an toàn của các phi công điều khiển chúng”, ông Warner cảnh báo.

 

Trong khi đó, tướng Lyon cũng nhận xét, tỉ lệ nói trên là quá cao, nhưng ông lưu ý rằng, chưa có sự cố nào được ghi nhận kể từ ngày 8/3 và Không quân đã sắp sửa giải quyết được vấn đề này. “Tôi tin là vào cuối mùa hè này, chúng ta sẽ nhận diện được toàn bộ các nguyên nhân quan trọng, và vài tháng sau đó, chúng ta sẽ trở lại với hoạt động bình thường của F-22”, Charles Lyon, một phi công chiếu đấu với trên 3.800 giờ bay phát biểu với Reuters tối 14/6 (giờ Mỹ).

 

Cũng theo viên tướng này, Không quân Mỹ đã lên các kế hoạch điều chỉnh, bao gồm thiết kế lại áo áp lực và mở rộng ống vòi cấp ôxy cho phi công trong khoang lái.

 

 

Thu Hằng (Theo Reuters)

Mỹ thiếu phi công lái máy bay chiến đấu
Mỹ thiếu phi công lái máy bay chiến đấu

Theo tạp chí "Stars & Tripes" (Mỹ) ngày 22/9, các quan chức trong lực lượng không quân Mỹ cho biết, số lượng phi công lái máy bay chiến đấu của lực lượng này sẽ giảm trong những năm tới...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN