Theo phóng viên TTXVN tại Washington ngày 2/4, ông Rob Friedlander, người phát ngôn của Văn phòng Quản lý và ngân sách (OMB) Nhà Trắng cho biết OMB đang có kế hoạch sớm công bố đề xuất ngân sách. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Nhà Trắng vì sự chậm trễ này. Luật ngân sách đặt thời gian tháng 2 hằng năm là thời hạn cuối cùng để chính quyền đưa ra yêu cầu ngân sách, mặc dù các chính quyền mới thường chỉ đưa ra đề xuất trên vào giữa tháng 3.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Missouri Jason Smith, thành viên Ủy ban Ngân sách Hạ viện, cho rằng người dân Mỹ xứng đáng được biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ điều chỉnh thuế và các khoản vay như thế nào để thực hiện chương trình nghị sự của mình. Ông lưu ý rằng đề xuất ngân sách của chính quyền Tổng thống Biden muộn hơn đề xuất của những người tiền nhiệm, khi các chính quyền thường công bố đề xuất ngân sách với các phác thảo cơ bản về thuế và chi tiêu trước ngày 16/3, trước khi đưa ra một đề xuất đầy đủ hơn sau đó.
Tuy nhiên, theo nhận định của truyền thông Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden trước mắt có thể sẽ đề xuất gói ngân sách giới hạn về quốc phòng và chi tiêu. Trong khi nhiều người ở Washington mong đợi Tổng thống Biden sẽ giữ lại chi tiêu quốc phòng, các thành viên đảng Dân chủ theo quan điểm cấp tiến như các Hạ nghị sĩ Barbara Lee (bang California) và Mark Pocan (bang Wisconsin) đang thúc đẩy việc thu hẹp ngân sách của Lầu Năm Góc.
Những nghị sĩ trên cho rằng hàng trăm tỷ USD hiện nay được cung cấp cho quân đội sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn nếu được đầu tư vào ngoại giao, viện trợ nhân đạo, chăm sóc y tế cộng đồng toàn cầu, các sáng kiến bền vững và nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, những quan điểm trên có thể vấp phải sự phản đối từ các đảng viên Dân chủ theo quan điểm ôn hòa, cũng như các thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Minnesota Betty McCollum, người đứng đầu Tiểu ban Quốc phòng của Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện cho rằng đề xuất ngân sách hàng đầu của Tổng thống Biden sẽ giải quyết một cách có trách nhiệm các yêu cầu an ninh quốc gia của Mỹ, tăng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên quốc phòng quan trọng trong tương lai.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Hiện Nhà Trắng đang đề xuất kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD, chi cho các dự án nâng cấp hơn 32.000 km đường và 10.000 cây cầu, mở rộng truy cập băng thông rộng cho các cộng đồng cư dân ở nông thôn và các cộng đồng chưa được cung cấp dịch vụ, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất, mở rộng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng. Để thực hiện kế hoạch này, chính quyền đề xuất tăng thuế doanh nghiệp và tập đoàn từ mức 21% lên 28% để huy động nguồn ngân sách phục vụ các dự án.