Chính phủ Đức ngày 1/7 cho biết nếu những cáo buộc liên quan tới chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) là đúng sự thật, thì đây là điều không thể chấp nhận. Theo Đức, hành vi kiểu "Chiến tranh Lạnh" này càng không thể chấp nhận trong bối cảnh Mỹ và EU là đồng minh và cần sự tin tưởng lẫn nhau để tiến tới các cuộc đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do (FTA) xuyên Đại Tây Dương.
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert . Ảnh: Internet |
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Steffen Seibert tuyên bố nếu các cơ quan đại diện của EU và các nước thành viên EU thật sự đã bị Mỹ bí mật theo dõi, thì Đức có thể thẳng thắn tuyên bố rằng "việc nghe lén bạn bè" là không thể chấp nhận được.
Ông Seibert nhấn mạnh thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã qua từ lâu. Đức muốn có hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân, vì thế sự tin tưởng lẫn nhau là điều tối cần thiết để đạt được thỏa thuận.
Đáp lại sự chỉ trích mạnh mẽ của một loạt nước đồng minh ở châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt tại Brunei, biện minh rằng gần như toàn bộ các chính phủ trên thế giới, không riêng Mỹ, sử dụng rất nhiều các nghiệp vụ khác nhau để bảo vệ các lợi ích và an ninh của mình.
Ông Kerry xác nhận, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU Catherine Ashton đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp với ông tại Brunei, song ông không tiết lộ chi tiết cuộc trao đổi ý kiến này.
Một số nhà hoạch định chính sách EU cho rằng cần hoãn kế hoạch mở các cuộc đàm phán về hiệp định FTA với Washington đến khi vụ tai tiếng nghe lén của Mỹ được làm rõ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng Mỹ theo dõi những nước bạn bè và đồng minh là việc làm quá giới hạn cho phép, nó có thể tác động nặng nề đến quan hệ EU - Mỹ.
TTXVN/Tin tức