Qua các bằng chứng được đọc tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada ngày 8/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc lừa đảo tại Mỹ vì đã né tránh mối quan hệ giữa Huawei với công ty Skycom. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2009 tới 2014, Huawei đã sử dụng Skycom để tiến hành các giao dịch ở Iran, bất chấp lệnh cấm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, CFO của tập đoàn Huawei cũng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cơ quan tài chính.
Hiện Mỹ có 60 ngày để đưa ra đề nghị dẫn độ chính thức. Sau đó, một thẩm phán của Canada sẽ quyết định về tính chất nghiêm trọng của vụ án với bà Mạnh Vãn Chu. Tiếp đó, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ quyết định xem khi nào tiến hành quá trình dẫn độ. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, CFO của tập đoàn Huawei sẽ đối mặt với một số tội danh khác, với mức phạt cao nhất cho mỗi tội danh lên tới 30 năm tù.
Phiên tòa tại Vancouver được tiến hành để xác định xem liệu bà Mạnh Vãn Chu có thể được bảo lãnh hoặc tiếp tục bị tạm giam. Nếu được bảo lãnh, bà Mạnh Vãn Chu sẽ phải nộp lại hộ chiếu cho nhà chức trách Canada và chấp nhận bị giám sát bởi các thiết bị điện tử. Hiện người phát ngôn của Huawei chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những cáo buộc nhằm vào CFO của tập đoàn này.
Trước đó, Bộ Tư pháp Canada ngày 5/12 thông báo đã bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm CFO Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Nữ CFO này đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay. Trong thông báo mới nhất ngày 7/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cả Mỹ và Canada đều không cung cấp được cho nước này bất cứ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm các quy định của hai nước, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu của Bắc Kinh về việc cần trả tự do cho nữ CFO này.