Phát biểu với báo giới vào ngày 30/7 khi đang trên đường tới thủ đô Bangkok, Thái Lan, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nhấn mạnh Nhật Bản và Hàn Quốc "đều là những đối tác tuyệt vời của Mỹ". Hai nước đều đang phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Do đó, việc giúp hai bên tháo gỡ bất đồng có vai trò quan trọng với Mỹ. Dự kiến Ngoại trưởng Pompeo sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc và sau đó tiến hành hội đàm ba bên bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết nước này đã hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản cân nhắc ký kết một thỏa thuận tạm ngưng hành động liên quan đến những tranh cãi ngoại giao và thương mại nghiêm trọng để hai bên có thêm thời gian tiến hành đàm phán.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định trong cuộc họp nội các ngày 2/8 tới về việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách những nước được hưởng ưu đãi mua các sản phẩm có thể được chuyển đổi sang mục đích quân sự. Mặc dù đề xuất trên sẽ không giải quyết được bất đồng giữa hai nước, song sẽ giúp ngăn chặn việc hai bên leo thang hành động trong một khoảng thời gian nhất định, tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận diễn ra. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khoảng thời gian tạm hoãn này sẽ kéo dài bao lâu.
Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tranh chấp Nhật-Hàn, đặc biệt trước thềm hạn chót ngày 24/8 tới để hai nước quyết định có tiếp tục tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo thường niên hay không. Mỗi năm, thỏa thuận song phương về Chia sẻ thông tin quân sự an ninh chung đều được tự động gia hạn với mục đích chống lại vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi về lịch sử liên quan thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Quan hệ giữa hai nước láng giềng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Mâu thuẫn tiếp tục gia tăng liên quan đến biện pháp của chính quyền Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản khẳng định chính sách quản lý xuất khẩu là để bảo đảm an ninh, trong khi Hàn Quốc cho rằng hành động của Tokyo đặt ra "mối đe dọa lớn" đối với nền kinh tế thế giới và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.