Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái), Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa (giữa) và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono trong cuộc họp tại Seoul ngày 14/6. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình bày một số nội dung trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore là "bước ngoặt" trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Bình Nhưỡng đã cam kết loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này, song cũng thừa nhận phi hạt nhân hóa là một tiến trình và sẽ không dễ dàng. Ông cho biết thêm rằng thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp này sẽ được thực hiện trên cơ sở "có điều kiện và theo từng bước".
Phát biểu sau cuộc gặp, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Mỹ và Triều Tiên đang tìm cách thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa "thật nhanh", và một lần nữa nhắc lại rằng không có chuyện dỡ bỏ trừng phạt cho tới khi nào Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Ngoại trưởng Pompeo khẳng định chính quyền Mỹ không từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" (CVID), đồng thời cho biết đây là một tiến trình dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc với Nhật Bản và ba nước Mỹ - Nhật - Hàn đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu này.
Trước đó, tại cuộc gặp song phương với ông Pompeo, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã bày tỏ hy vọng "xung lực hiện nay sẽ được duy trì", đồng thời nhấn mạnh "liên minh Mỹ - Hàn vẫn mạnh mẽ như trước đây".
Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc tương lai các cuộc tập trận với Hàn Quốc
Giới chức Mỹ cho biết quân đội nước này đang cân nhắc các cách thức nhằm đảm bảo các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc vẫn có thể được huấn luyện đầy đủ và sẵn sàng. Tuyên bố này được đưa ra ngày 13/6, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chấm dứt tập trận với Hàn Quốc trong một động thái nhượng bộ bất ngờ với Triều Tiên.
Hiện vẫn chưa rõ các hình thức huấn luyện nào của binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc sẽ bị cấm trong khuôn khổ các cuộc tập trận. Tuy nhiên, các cuộc tập trận chung lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc dường như sẽ không diễn ra - theo như chỉ đạo mới. Một quan chức Mỹ cho biết thêm các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc sẽ duy trì tính sẵn sàng. Trong khi đó, một quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho rằng một số loại hình huấn luyện vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện sau đó.
Tổng thống Trump hôm 12/6 tuyên bố chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Singapore, cho rằng các cuộc tập trận này tốn kém và "mang tính khiêu khích". Ngày 13/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi phát biểu với một nhóm phóng viên tại Seoul cho biết, Tổng thống Trump khẳng định các cuộc tập trận sẽ bị "đóng băng" với điều kiện đàm phán với Bình Nhưỡng diễn ra một cách thiện chí và có hiệu quả.
Quyết định chấm dứt tập trận tại Hàn Quốc đã khiến các quan chức và cựu quan chức quốc phòng Mỹ khá hoang mang. Họ được cho là chỉ biết thông tin trên khi Tổng thống Trump ra tuyên bố và lo ngại điều này sẽ làm mất đi tính sẵn sàng của binh sĩ Mỹ tại một trong những điểm nóng quân sự nhạy cảm nhất thế giới.
Hàn Quốc tích cực chuẩn bị triển vọng hợp tác kinh tế với Triều Tiên
Sau hàng loạt diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tới cuộc gặp lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên ngày càng sáng sủa.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc ngày 14/6 cho biết đang nghiên cứu những cơ hội mở các chuyến du lịch tiềm năng cho du khách nước này sang Triều Tiên. Bộ trên nêu rõ bộ đang xem xét nhiều chương trình tour khác đến Triều Tiên ngoài các tuyến du lịch đến núi Baekdu, núi Kumgang và khu công nghiệp chung ở thành phố vùng biên Kaesong.
Các tour du lịch tới những địa điểm hấp dẫn này đã bị đình chỉ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Bộ trên đã thành lập đội chuyên trách nhằm tiến hành các bước chuẩn bị cho khả năng nối lại hoạt động trao đổi liên Triều trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, theo bộ trên, rất khó để đưa ra một khung thời gian cụ thể bởi Hàn Quốc cần làm việc với các công ty du lịch của nước này và của Triều Tiên.
Về nông-ngư nghiệp, các chuyên gia cho rằng đây có thể là ngành đầu tiên hai miền nối lại hợp tác khi Triều Tiên đang thiếu lương thực và hai bên từng hợp tác trong lĩnh vực này. Hợp tác nông nghiệp không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính nhân đạo, do đó nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực đầu tiên mà hai bên sẽ hợp tác.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính khoảng 10 triệu/24,8 triệu người Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng. Trong khi đó, Hàn Quốc lại có lượng dự trữ gạo dồi dào, với 1,86 triệu tấn gạo trong các kho của nhà nước tính đến hết năm ngoái.
Trong khi đó, các ngân hàng Hàn Quốc cũng tăng cường thực hiện các bước chuẩn bị trước khả năng nước này nối lại các dự án kinh tế tại Triều Tiên. Trong đó, tập đoàn tài chính Shinhan và tập đoàn tài chính KB đã lập các nhóm chuyên trách, tiến hành nghiên cứu nhằm xem xét khả năng tham gia các hoạt động kinh doanh tài chính tại Triều Tiên nếu hai miền nối lại hợp tác.
Nhật Bản cân nhắc khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều
Ngày 14/6, Chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng nước này Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9 tới sau khi ông Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng gặp mặt Thủ tướng Abe trong thời gian tới.
Theo một nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức ở Singapore hôm 12/6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã để ngỏ khả năng gặp gỡ Thủ tướng Abe và ý định của ông Kim Jong-un đã được Chính phủ Mỹ truyền đạt tới Chính phủ Nhật Bản thông qua các kênh khác nhau.
Tại hội nghị này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi với nhà lãnh đạo Kim Jong-un lập trường của Tokyo rằng Nhật Bản sẽ cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên chỉ sau khi các vấn đề nổi cộm, bao gồm chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như việc công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ, được giải quyết một cách toàn diện.
Với tín hiệu tích cực từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tokyo được cho là sẽ xúc tiến công tác chuẩn bị chính thức để hiện thực hóa hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên đầu tiên kể từ năm 2004. Ngoài ra, nguồn tin trên cũng cho biết lãnh đạo Nhật Bản, Triều Tiên có thể thể gặp nhau tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga, bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông thường niên, trong đó ông Kim Jong-un đã được Nga mời tham dự.