Mặc dù vậy, giới chức FAA đánh giá nguy cơ này đối với hoạt động hàng không nói chung chỉ ở mức hạn chế.
FAA nêu rõ cảnh báo mới nêu trên chỉ đề cập dòng máy bay 737 của Boeing - tương tự như các thông báo trước đây đối với các dòng máy bay 737 MAX, 747, 757, 767 và dòng máy bay phản lực 777- chứ không áp dụng đối với các máy bay bay vào những khu vực có mạng lưới 5G đã được đảm bảo an toàn cho hàng không (bao gồm hầu hết các sân bay tại Mỹ).
Theo FAA, phần lớn các sân bay thương mại đều đã thiết lập vùng đệm không dây 5G xung quanh hoặc chưa được triển khai hệ thống 5G một cách hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay cất và hạ cánh ở các khu vực đó sẽ không bị ảnh hưởng gián đoạn sóng vô tuyến như trong cảnh báo.
FAA lý giải rằng hệ thống máy bay của Boeing 737 có thể không vận hành như thường lệ khi “cất, hạ cánh và lăn bánh” do thiết bị đo độ cao của dòng này hoạt động trong dải tần 3,7-3,8 GHz – cùng tần sóng với công nghệ 5G. FAA cho biết thông báo trên sẽ ảnh hưởng đến khoảng 2.400 máy bay ở Mỹ và khoảng 8.300 máy bay trên toàn thế giới.
Phía Boeing cũng tán thành cảnh báo trên của FAA, cho biết thông tin này đồng nhất với khuyến cáo mà hãng đã đưa ra hồi tháng trước đối với các phi hành đoàn.
Các hãng viễn thông đã chi hàng tỷ USD để có được giấy phép triển khai mạng 5G trong năm ngoái, song càng gần đến ngày triển khai, nhiều hãng hàng không đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ mạng 5G có thể gây nhiễu máy đo độ cao dùng sóng vô tuyến của máy bay - vốn có thể hoạt động cùng tần số.
Ủy ban Truyền thông Liên bang và Cơ quan Quản lý Viễn thông và Thông tin Quốc gia (NITA) đã cam kết cải thiện sự phối hợp về quản lý phổ tần sau vấn đề liên quan việc triển khai mạng 5G.