Mỹ lảng câu hỏi về binh sĩ Thổ tại Iraq

Trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra vào ngày 10/12, nữ phóng viên của kênh truyền hình Nga RT đã liên tục hỏi dồn người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ những câu hỏi thẳng thắn liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới Iraq.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby.

Chủ đề xuyên suốt toàn bộ phần câu hỏi của nữ phóng viên liên quan đến căng thẳng đang nảy sinh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq hiện nay. Khi phóng viên Gayane Chichakyan hỏi người phát ngôn John Kirby về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đến Iraq, ông khẳng định: “Bất kì hành động nào chống IS trong lãnh thổ Iraq đều đã được sự cho phép cũng như phối hợp từ phía chính quyền Baghdad. Hiện quan hệ hai nước đang căng thẳng vì số lượng nhỏ binh lính. Chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tự giải quyết chuyện này. Và họ đang làm như vậy”.


Ngay sau đó, Chichakyan tiếp tục chất vấn người phát ngôn John Kirby: Liệu nước Mỹ có phần nào chịu trách nhiệm về mâu thuẫn hiện có giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ hay không, khi chính Mỹ là nước muốn các quốc gia khác gửi quân đến Syria và Iraq tham gia chiến dịch chống IS. Tuy nhiên, khi có chuyện không hay xảy ra, nước Mỹ lại hành động như thể “không phải việc của chúng tôi”, giống như chuyện đang xảy ra với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq.


Khi bị chất vấn thẳng thừng như vậy, ông Kirby than vãn: "À, thôi nào, lại thêm một câu hỏi ngớ ngẩn nữa". Nói rồi ông Kirby xen thêm vài bình luận cá nhân về cả cô phóng viên và hãng RT, nói rằng cô Chichakyan nên thấy xấu hổ khi hỏi câu như vậy. Ông Kirby cũng bình thêm rằng hãng RT hiếm khi nào dám đặt những câu hỏi khó cho chính quyền Nga.


Kết thúc cuộc tranh luận với phóng viên RT, ông Kirby đưa ra lời bình luận cá nhân: “Cô có thể hỏi mọi thứ cô muốn, ngay tại đây, trên đất Mỹ. Nhưng tôi không thấy cô hỏi những câu tương tự đối với chính quyền nước cô. Và tôi mong đợi điều đó”. Nữ phóng viên Chichakyan cho biết cô không hề cảm thấy xấu hổ về phần câu hỏi của mình và thấy mình đã làm tốt công việc.


Trước đó, Iraq đã nổi giận khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa gần 150 binh sĩ và 25 xe tăng tới phía bắc Iraq mà không được Iraq cho phép. Sau đó, máy bay ném bom của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dội bom xuống bộ phận người Kurd ở khu vực này. Vào ngày 8/12, Thủ tướng Iraq Haider Abadi đã điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Iraq. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Jaafari cũng có cuộc gặp với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bày tỏ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động vi phạm chủ quyền Iraq.


Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10/12 cho biết chính quyền Ankara sẽ không rút quân khỏi Iraq, với lời giải thích họ đưa binh lính đến đó nhằm mục đích huấn luyện cho lực lượng quân đội Iraq, thay vì trực tiếp tham gia chiến đấu. Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng người Kurd tại phía bắc Iraq và quan chức Mỹ sẽ có một buổi hội đàm vào ngày 21/12 tới để thảo luận về tình hình hiện tại.

 

Hồng Hạnh (theo RT/AP)
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân khỏi Iraq
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân khỏi Iraq

Ngày 10/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố vấn đề rút binh sĩ nước này khỏi Iraq là không đáng đề cập tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN