Iraq khiến Iran và Mỹ "chạnh lòng" trong cuộc chiến chống IS

Những tranh cãi nổi lên tuần qua tại Iraq xung quanh vấn đề lực lượng vũ trang nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước này đã bộc lộ góc khuất cũng như sự “lệch tông” giữa Baghdad với Washington và Tehran trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lực lượng an ninh Iraq tấn công vào thị trấn Husayba, thung lũng Euphrates, ngoại ô thành phố Ramadi ngày 7/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi phải chật vật để đánh đuổi IS ra khỏi các khu vực rộng lớn mà nhóm khủng bố này đang kiểm soát thì Iraq dường như còn gặp khó khăn để làm hài lòng cả Iran (đang hỗ trợ rất tích cực cho lực lượng trên bộ của Iraq) và liên minh do Mỹ dẫn đầu đang cần mẫn tiến hành không kích nhằm vào IS.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng vất vả để làm vừa lòng cả hai phía. Ông bị nhìn nhận như một vị lãnh đạo không quyết đoán, hơn nữa nỗ lực đánh bại những tên khủng bố cực đoan cũng chưa đem lại hiệu quả.

Thách thức ông gặp phải đã tăng lên bởi hai tranh cãi gần đây liên quan đến lực lượng nước ngoài. Đầu tiên là việc truyền thông trong những ngày gần đây dồn dập đưa tin về việc binh lính Thổ Nhĩ Kỳ được điều động tới căn cứ quân sự gần với thành phố Mosul đang nằm dưới sự kiểm soát của IS, điều này được Baghdad coi như một gáo nước lạnh.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng cho rằng số binh sĩ này chỉ đang tham gia cuộc tập trận nhưng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vào ngày 6/12 đe dọa rằng nếu Ankara không rút quân trong vòng 48 giờ Iraq sẽ trình việc này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nhưng trên thực tế đã có vài trăm binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại Iraq trong nhiều tháng qua và tiến hành đào tạo lực lượng chiến binh người Kurd cùng các dân quân người Hồi giáo theo dòng Sunni. Sự xuất hiện của họ tuy không được thông báo rộng rãi đến công chúng nhưng lại có sự thỏa thuận với cả Baghdad và chính phủ khu tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq.

Điều này gây phẫn nộ với Iran, đất nước đang bất hòa với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc nội chiến Syria. Iran luôn thể hiện sự ủng hộ với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng về phía lực lượng nổi dậy muốn lật đổ ông Assad.

Một trường hợp tương tự là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter gần đây tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ cử lực lượng đặc nhiệm viễn chinh tham gia các chiến dịch chống IS trên bộ tại Iraq, song ông al-Abadi lại tỏ ra không mấy mặn mà với kế hoạch này.

Ngay lập tức, Văn phòng Thủ tướng Haider al-Abadi đã ra thông báo khẳng định Iraq luôn mở rộng cửa chào đón sự hỗ trợ từ nước ngoài nhưng để triển khai bất cứ lực lượng đặc biệt nào trên lãnh thổ nước này sẽ cần phải có sự đồng ý và chấp thuận của Baghdad. Bên cạnh đó, Thủ tướng Haider al-Abadi còn khẳng định rằng lực lượng viễn chinh nước ngoài tại Iraq là không cần thiết.

Hiện nay đã có 3.500 binh sĩ Mỹ tại Iraq thực hiện nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ lực lượng vũ trang Iraq trong các cuộc chiến trên bộ chống IS. Và trái với những khẳng định trước đó của nhà lãnh đạo thì phát ngôn viên của ông Al-Abadi sau đó cho biết chính phủ Iraq đã yêu cầu hỗ trợ thêm nhiều vũ khí và máy bay do thám. AP dẫn lời phát ngôn viên Saad al-Hadithi nói: “Sẽ cần có lực lượng đặc nhiệm trên các máy bay này. Vấn đề chính là bàn thảo với các quan chức hàng đầu Iraq và họ đã chấp thuận những lực lượng này".

Nhiều chuyên gia nhận định để trung hòa giữa Washington và Tehran, ông al-Abadi phải lập nên một cầu nối giải quyết những chia rẽ nội bộ của Iraq khi chính phủ do người theo dòng Hồi giáo Shiite lãnh đạo hiện nay đang nỗ lực lấy lại khu vực rộng lớn đang bị các phiến quân khủng bố dòng Hồi giáo Sunni là IS chiếm giữ.

Do vậy ông al-Abadi đã ban hành một gói cải cách vào đầu năm nay như một thông điệp phản hồi đối với các cuộc biểu tình phản đối tham nhũng và sự yếu kém của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản nhất cho người dân. Nhưng đề xuất giảm lương lại khiến tầng lớp trung lưu (nhóm tiến hành các cuộc biểu tình này) bất bình.

Mouwaffak al-Rubaie, cựu thành viên đảng Dawa của ông al-Abadi và một nhà làm luật người Shiite nêu rõ: “Tôi nghĩ ông al-Abadi đã để lỡ mất thời cơ. Ông ấy là một chính trị thường bị tác động và hay đắn đo”. Trong khi đó, Al-Amiri một chỉ huy quân sự người Shiite lại có nhận định rằng ông al-Abadi “có cây đũa thần có thể thay đổi tình huống”.

Hà Linh (Theo AP)
Mỹ, Iraq chuẩn bị cho cuộc quyết đấu với IS
Mỹ, Iraq chuẩn bị cho cuộc quyết đấu với IS

Mỹ và Iraq đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch tái chiếm Mosul - thành phố lớn thứ hai Iraq, nguồn cung cấp nhân lực chiến lược và tài chính quan trọng cho IS.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN