Đây là lần gia hạn thứ 3 kể từ tháng 5 vừa qua khi bộ này liệt Huawei vào “danh sách thực thể” bị trừng phạt và hạn chế Huawei mua công nghệ và phần cứng của Mỹ do mối lo ngại về an ninh. Huawei cũng bị cấm làm ăn kinh doanh với các công ty của Mỹ mà không có giấy phép phù hợp.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, giấy phép hợp tác được gia hạn trên có phạm vi hẹp, chỉ cho phép các hoạt động cụ thể và hạn chế đối với các giao dịch liên quan đến xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất, chuyển các mặt hàng cho Huawei và các công ty con của Huawei ở ngoài nước Mỹ.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết việc gia hạn giấy phép tạm thời sẽ cho phép các nhà mạng tiếp tục phục vụ khách hàng ở những khu vực xa xôi hẻo lánh nhất của Mỹ, đồng thời khẳng định Bộ Thương mại sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm nhằm đảm bảo rằng những sáng tạo đổi mới của Mỹ không bị các đối tượng gây đe dọa tới an ninh của Mỹ khai thác và sử dụng.
Trước đó, chính quyền Mỹ lần đầu tiên gia hạn giấy phép hợp tác trên do lo ngại về sự ảnh hưởng đối với các nhà mạng băng thông rộng tại các vùng nông thôn phụ thuộc vào các thiết bị của Huawei. Những thiết bị của công ty này thường rẻ hơn so với các công ty khác. Lần gia hạn thứ hai được đưa ra khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại mới.
Quyết định trên được đưa ra một ngày trước khi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chuẩn bị bỏ phiếu cho các đề xuất hạn chế sự tham gia của Huawei vào ngành công nghiệp viễn thông của Mỹ. Theo các đề xuất do Chủ tịch FCC Ajit Pai công bố tháng trước, các công ty viễn thông Mỹ sẽ bị cấm sử dụng tiền trong Quỹ dịch vụ toàn cầu trị giá 8,5 tỷ USD của FCC để mua thiết bị từ các công ty được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có cả Huawei và ZTE.
Ngoài ra, FCC cũng đề xuất đánh giá chi phí thay thế tất cả các thiết bị Huawei mà các tập đoàn viễn thông của Mỹ đang sử dụng và đưa ra chương trình hoàn trả tiền giúp các công ty thực hiện sự thay đổi.
Những lo ngại đối với Huawei xuất phát từ luật tình báo của Trung Quốc năm 2017, yêu cầu các công ty và công dân nước này phải hỗ trợ và hợp tác với tình báo Trung Quốc và giữ bí mật về hoạt động tình báo. Mỹ và nhiều nước khác cáo buộc Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc thông qua các thiết bị của mình. Năm ngoái, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ đã cấm công ty này tham gia vào các hợp đồng chính phủ do mối lo ngại về an ninh.