Mỹ không có kế hoạch gặp giới chức Triều Tiên dịp Olympic PyeongChang 2018

Ngày 22/1, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định phía Washington không có kế hoạch gặp các quan chức Triều Tiên xung quanh thời gian diễn ra Olympic PyeongChang 2018 ở Hàn Quốc vào tháng 2 tới, trong bối cảnh đang có những hy vọng về một sự đột phá tình trạng bế tắc hạt nhân giữa 2 nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AFP/TTXVN

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Chúng tôi đã làm rõ về lập trường của Mỹ liên quan đàm phán Mỹ - Triều Tiên. Không có bất cứ kế hoạch gặp gỡ nào với các quan chức Triều Tiên trước hoặc sau khi kết thúc Olympic PyeongChang 2018”.

Người phát ngôn cho biết thêm rằng mặc dù Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa “nghiêm túc và đáng tin cậy”, nhưng Triều Tiên đã cho thấy họ không quan tâm đến những cuộc đàm phán như vậy vào thời điểm hiện tại. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã một lần nữa bày tỏ hy vọng rằng bầu không khí hòa giải liên Triều hiện nay có thể dẫn tới cuộc đàm phán Mỹ - Triều về kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cùng ngày 22/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định ông chắc chắn sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên khi gặp những người đồng cấp Indonesia và Việt Nam trong tuần này.

Theo Lầu Năm Góc, phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay tới Jakarta, ông Mattis nêu rõ: “Vâng, vấn đề Triều Tiên nằm trong các cuộc thảo luận của Mỹ ở mọi nơi trên thế giới, vì đây là vấn đề toàn cầu”. Nhắc lại hội nghị về Triều Tiên diễn ra hồi tuần trước ở Vancouver (Canada), ông Mattis cho hay các lãnh đạo châu Âu tập trung tại hội nghị này cũng bày tỏ quan ngại về năng lực đang gia tăng của Bình Nhưỡng trong việc tiến hành một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh chuyến công du của ông Mattis nhằm tái khẳng định "cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Sau các chặng dừng chân ở Indonesia và Việt Nam, ông Mattis có kế hoạch thăm Hawaii để gặp Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris.

Các nguồn tin tại Seoul cho biết ông Mattis cũng có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo ở đó nhằm thảo luận các vấn đề liên minh, trước khi diễn ra Olympic PyeongChang 2018 vào tháng 2. Hai nước trước đó đã nhất trí hoãn các cuộc tập trận chung thường niên, cho đến sau Olympic PyeongChang nhằm giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/1, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cảnh báo chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang mở rộng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ còn “một ít tháng nữa” là có khả năng phóng một tên lửa hạt nhân chiến lược vào Mỹ.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, ông Pompeo cho rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là nguy cơ nghiêm trọng với Mỹ, trong khi Bình Nhưỡng đang tiếp tục nỗ lực mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân tập trung vào khả năng và độ tin cậy.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên cực kỳ căng thẳng trong năm 2017 khi Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa, bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên trong năm ngoái, đặc biệt cấm bán dầu cho Triều Tiên và cấm nhập khẩu các mặt hàng dệt may của nước này.

TTXVN/Báo Tin tức
Liệu 'khẩu chiến' Mỹ - Triều Tiên có thành thực chiến?
Liệu 'khẩu chiến' Mỹ - Triều Tiên có thành thực chiến?

"Tuyên chiến" là cụm từ được nghe nhiều nhất trong mối quan hệ chưa khi nào hết căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên những ngày qua, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Liên hợp quốc đã thẳng thừng khẳng định sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” nếu Mỹ và các đồng minh bị tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN