Liệu 'khẩu chiến' Mỹ - Triều Tiên có thành thực chiến?

"Tuyên chiến" là cụm từ được nghe nhiều nhất trong mối quan hệ chưa khi nào hết căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên những ngày qua, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần phát biểu đầu tiên tại diễn đàn Liên hợp quốc đã thẳng thừng khẳng định sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” nếu Mỹ và các đồng minh bị tấn công.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng thử tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 4/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Có thể thấy, cả Bình Nhưỡng và Washington đang theo đuổi chính sách "đe dọa đáp trả bằng đe dọa". Phía Triều Tiên là sẵn sàng bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa tới lãnh thổ Mỹ hay có thể thử bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá mạnh nhất trên Thái Bình Dương, còn phía Mỹ thì luôn để ngỏ khả năng “trút lửa và cơn thịnh nộ” hay “san phẳng” Triều Tiên.

Những tuyên bố cứng rắn nhất từ trước tới nay đã được cả Washington và Bình Nhưỡng đưa ra, khiến dư luận không còn nghĩ đây là “cuộc chiến tâm lý”, hay những “đòn cân não” nắn gân nhau như mọi khi, mà có thể là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh hạt nhân cận kề với hậu quả thảm khốc chưa từng có.
         
Việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 (ngày 3/9), với công suất ước tính lớn gấp hàng chục lần so với quả bom thử nghiệm năm 2016, cùng một loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới các vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương, được coi là phản ứng trực tiếp của Bình Nhưỡng đối với các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Mỹ và các đồng minh đưa ra. Điều này một lần nữa chứng tỏ biện pháp trừng phạt dù khắc nghiệt đến mấy vẫn không thể ngăn cản Bình Nhưỡng theo đuổi mục tiêu mà họ coi là yếu tố then chốt đối với sự tồn vong của chế độ.

Dư luận cho rằng các biện pháp trừng phạt ngày càng mạnh tay của Mỹ (bao trùm hàng loạt lĩnh vực, từ tài chính tới thương mại, vận tải biển, công nghệ, ngư nghiệp...) dường như chỉ “tiếp thêm dầu vào lửa”, còn những lời chỉ trích gay gắt cùng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump “san phẳng Triều Tiên” vô hình trung lại tạo cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un "cái cớ" kiên quyết bảo vệ chương trình hạt nhân, tên lửa của mình.  
          
Chuyên gia phân tích chiến lược của Stratfor, Rodger Baker, nhận định rằng “Triều Tiên có thể cho rằng những hăm dọa mà họ đưa ra sẽ đủ để kiềm chế hành động của Mỹ. Trong khi đó, Washington cũng có thể tính toán tương tự. Kết quả là những hành động hăm dọa của bên này có thể bị bên kia xem như một động thái tuyên chiến thực sự”. Và điều này sẽ vô hình chung đẩy hai bên vào xung đột nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh các biện pháp gây sức ép bằng kinh tế và cô lập về chính trị tỏ ra không hiệu quả như mong muốn, con đường đối thoại thì đều bị Mỹ và Triều Tiên khước từ hoặc kèm những điều kiện khó được đối phương chấp thuận, rõ ràng không gian cho các giải pháp phi quân sự đã bị thu hẹp đáng kể.

Những động thái hồi cuối tuần qua, bao gồm việc Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-1B từ căn cứ Guam bay tới không phận quốc tế trên vùng biển phía Đông của Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng điều động máy bay và tăng cường lực lượng phòng thủ ở bờ biển phía Đông nước này, càng khiến dư luận thêm lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến sự.

Tuy nhiên, dù biện pháp quân sự đã được nhắc tới như một xu hướng  tất yếu trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng hiện nay thì vẫn luôn có “lựa chọn thứ hai”, bởi cái giá của chiến tranh sẽ vô cùng khốc liệt và là điều mà tất cả các bên sẽ phải hứng chịu.  Bên cạnh các tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, những ngày qua, các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ vẫn luôn có những phát biểu bày tỏ “hy vọng tránh được chiến tranh” hay “quân sự không phải là giải pháp ưu tiên”. Trong khi đó, Triều Tiên có thể không dám mạo hiểm tấn công bởi nếu xét về tương quan lực lượng và tiềm lực hạt nhân, Triều Tiên khó đương đầu được với cường quốc hạt nhân Mỹ. 

Việc tránh cho cuộc “khẩu chiến” hiện nay biến thành một cuộc chiến tranh thực sự phụ thuộc vào cách thức và mức độ tiếp cận của Nhà Trắng tới đâu để khiến Bình Nhưỡng không cảm thấy “bị đẩy vào chân tường’’, và ngược lại Triều Tiên không “đe dọa quá trớn” khiến Washington mất kiềm chế. Bên cạnh đó, vai trò của các cường quốc liên quan, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, cũng có ý nghĩa quan trọng đối với “bàn cờ” Triều Tiên.


Cả Trung Quốc và Nga, với tư cách là 2 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đều đã bỏ phiếu tán thành các nghị quyết  gần đây, do Mỹ đề xuất, nhằm gia tăng trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều lên tiếng mạnh mẽ phản đối giải pháp quân sự. Trước cuộc “đấu khẩu” nóng bỏng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay, chính quyền Bắc Kinh cảnh báo tình hình Triều Tiên đang hết sức nguy hiểm, đồng thời khẳng định sẽ không có bên nào chiến thắng nếu chiến tranh nổ ra. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lưu ý rằng chỉ có cách tiếp cận mềm dẻo, mang tính thuyết phục mới có thể có tác dụng. Theo ông, Mỹ sẽ không thể tấn công Triều Tiên bởi biết rõ Bình Nhưỡng sở hữu bom hạt nhân. Một khi chiến tranh xảy ra sẽ là thảm họa, không chỉ đối với hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người vô tội ở hai miền Triều Tiên, mà cả Nhật Bản, Trung Quốc lẫn Nga và nhiều nước khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết nước này đang nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Đầu tuần này, một phái đoàn quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã tới Moskva gặp gỡ giới chức Nga.

Trước thực tế rằng các nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên vẫn đang bế tắc, trong khi thế giới liên tục “thót tim” với những hành động bị coi là khiêu khích của Triều Tiên hay những tuyên bố đe dọa hiếu chiến của Mỹ, đã có nhiều ý kiến đề xuất việc đánh giá lại và tìm kiếm những biện pháp hoàn toàn mới cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Những hành động gần đây cho thấy rõ ràng Bình Nhưỡng sẽ không chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, trong khi những thử nghiệm mới nhất cho thấy bước tiến đáng kể trong công nghệ tên lửa và hạt nhân của nước này. Chính vì vậy, cần có những cách tiếp cận ngoại giao và kinh tế mới đối với Bình Nhưỡng, thay vì dùng chiến thuật hăm dọa rất dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc.

Phương Hoa (TTXVN)
Chuyên gia: Mỹ không cố bắn hạ tên lửa Triều Tiên vì sợ... trượt
Chuyên gia: Mỹ không cố bắn hạ tên lửa Triều Tiên vì sợ... trượt

Mỹ sẽ không cố gắng bắn hạ tên lửa Triều Tiên bởi việc thất bại sẽ là thảm họa trong giai đoạn hiện nay của cuộc khủng hoảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN