Đối thoại Mỹ - Triều Tiên lần 3: Cơ hội cho đàm phán sáu bên

Vòng đối thoại lần thứ 3 giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 23/2 là cuộc đối thoại song phương cấp cao đầu tiên giữa Bình Nhưỡng và Oasinhtơn kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, hội đàm diễn ra với sự tham dự của Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye-gwan.

Trước đó, vòng đối thoại Mỹ-Triều lần thứ 3 đã được lên kế hoạch vào cuối năm 2011 nhưng bị hủy bỏ do ông Kim Jong-Il đột ngột qua đời. Kể từ thời điểm đó, quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên gia tăng đã khiến dư luận quan ngại về khả năng khó có cơ hội nào để nối lại tiến trình đàm phán sáu bên vốn đã rơi vào bế tắc từ năm 2009.

Quân đội Triều Tiên diễu binh để tưởng nhớ các lãnh đạo quá cố Kim Il-Sung và Kim Jong-Il và bày tỏ trung thành với nhà lãnh đạo mới Kim Jong-Un ngày 18/2/2012.
Ảnh: KCNA/TTXVN

Chính vì vậy, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trọng tâm của cuộc đối thoại Mỹ - Triều lần ba là nối lại đàm phán sáu bên đã bắt đầu nhen nhóm hy vọng về khả năng tái khởi động lại một trong những tiến trình thương lượng khó khăn, trắc trở nhất hiện nay nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Theo dự đoán của giới phân tích, để có thể tiến tới thảo luận về khả năng đàm phán sáu bên, Mỹ và Triều Tiên cũng sẽ phải đề cập đến việc đình chỉ chương trình làm giàu urani của Bình Nhưỡng và khoản viện trợ 24.000 tấn lương thực của Oasinhtơn. Đây cũng chính là hai bất đồng lớn của Bình Nhưỡng và Oasinhtơn. Mỹ nói rằng bất kỳ quyết định nào về viện trợ lương thực sẽ được thực hiện theo yêu cầu của Triều Tiên với điều kiện phải đảm bảo số viện trợ đó không được chuyển cho quân đội. Trong khi đó, Bình Nhưỡng yêu cầu viện trợ ngũ cốc và phản đối sự can thiệp của Oasinhtơn. Thậm chí, Triều Tiên từng trục xuất nhân viên giám sát phân phối hàng viện trợ. Ngày 11/1, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn kịch liệt phản đối thái độ của Mỹ và cho rằng những thay đổi quy mô lớn về số lượng và loại lương thực viện trợ đã phủ bóng đen lên nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Trước vòng đối thoại thứ ba, Mỹ lại đặt điều kiện nếu Triều Tiên muốn bàn về lương thực viện trợ thì phải giải đáp những câu hỏi của họ. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đã từng nhiều lần dùng viện trợ lương thực để yêu cầu Triều Tiên đình chỉ chương trình làm giàu urani. Tuy nhiên, quá khứ cho thấy Bình Nhưỡng chưa bao giờ là đối tác dễ dàng lùi bước, đặc biệt trong vấn đề hạt nhân.

Không chỉ tồn tại bất đồng về viện trợ lương thực, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang ở trong thời điểm khá nhạy cảm về chính trị, vì vậy giới phân tích cho rằng khó có cơ hội hai bên đưa ra những nhượng bộ lớn. Ban lãnh đạo mới của Triều Tiên đang cần chứng tỏ năng lực của mình trong giai đoạn vừa chuyển giao quyền lực. Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đang chật vật cho nỗ lực tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm nay. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã thừa nhận rất khó có khả năng cuộc thương lượng lần này sẽ tạo bước ngoặt hoặc thẳng tiến tới vòng đàm phán sáu bên.

Tất nhiên, sự lạc quan luôn là sự khởi đầu cần thiết cho những tiến trình thương lượng gai góc, đặc biệt khi các đối tác trên bàn đàm phán đều được đánh giá là khá cứng rắn trong việc bảo vệ lập trường của mình. Trước thời điểm diễn ra đối thoại song phương Mỹ - Triều, hầu hết các bên liên quan đến tiến trình đàm phán sáu bên đều bày tỏ hy vọng vào một kết quả tích cực. Oasinhtơn cho rằng việc Bình Nhưỡng chấp nhận đối thoại có thể là dấu hiệu cho thấy quốc gia này đã sẵn sàng thỏa thuận và đưa ra lời giải đáp cho những mối quan ngại của thế giới về các chương trình tên lửa và hạt nhân. Người phát ngôn Nuland thậm chí còn lạc quan cho rằng hiện nay là thời điểm thích hợp để xác định thái độ của Bình Nhưỡng cũng như trao cho Triều Tiên cơ hội để họ chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng hợp tác.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố, Bắc Kinh hy vọng đàm phán song phương Mỹ - Triều lần này sẽ tạo tiền đề cho việc thúc đẩy nối lại đàm phán sáu bên và khẳng định Trung Quốc ủng hộ tất cả các bên liên quan duy trì liên lạc và đàm phán. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì nói rằng đối thoại Mỹ - Triều sẽ thúc đẩy cho việc đối thoại với Bình Nhưỡng. Giới phân tích Hàn Quốc nhận định, nhiều khả năng chính quyền mới ở Bình Nhưỡng trong chừng mực nào đó đã giải quyết ổn thỏa vấn đề nội bộ để bắt đầu hướng ra giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN