Mỹ khởi động kế hoạch truy vết mạnh mẽ vũ khí cấp cho Ukraine

Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố kế hoạch theo dõi mạnh mẽ hơn vũ khí cung cấp cho Kiev, đồng thời bày tỏ lo ngại các lực lượng Nga có thể thu giữ và sử dụng vũ khí Mỹ để làm giả một cuộc tấn công của Ukraine.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ Ukraine mang theo tên lửa vác vai Stinger do Mỹ cung cấp dọc theo con đường ở vùng Donetsk, ngày 18/6/2022. Ảnh: AP

Theo trang Defensenews, kế hoạch của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 27/10 nêu rõ: “Việc các lực lượng ủng hộ Nga thu giữ được vũ khí của Ukraine - bao gồm vũ khí viện trợ - là phương tiện chuyển hướng chính cho đến nay và có thể ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao vũ khí tiếp theo. Nga cũng có thể sử dụng các vũ khí này để phát triển các biện pháp đối phó, tuyên truyền hoặc tiến hành các hoạt động giả danh”.

Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Nga tuyên bố Ukraine đang có kế hoạch sử dụng “bom bẩn” trên lãnh thổ của mình, một tuyên bố bị Kiev và các nước phương Tây phản bác. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cũng cáo buộc Nga lên kế hoạch cho nổ một con đập lớn gần Kherson và đổ lỗi cho người Ukraine.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây hơn 8 tháng, Mỹ đã tăng tốc viện trợ quân sự trên 17 tỷ USD cho Kiev, bao gồm từ tên lửa vác vai, pháo, xe bọc thép cho đến các hệ thống phòng không tiên tiến. Những tuần gần đây, các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu đã tăng cường kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn với số vũ khí được viện trợ cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt lo ngại về hai loại vũ khí gồm: hệ thống phòng không di động, trong đó có hàng nghìn tên lửa phòng không Stinger; và các loại tên lửa dẫn đường chiến thuật chống tăng / đa năng, với hàng ngàn tên lửa Javelin, đều do Mỹ gửi tới.

Bộ trên cho biết, họ cũng đang làm việc với giới chức ở Kiev để rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, một hoạt động có thể cho phép “thu gom và bảm đảm vũ khí tại chỗ”.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine điều khiển bệ phóng rocket đất đối đất ở tiền tuyến tại Donbas, ngày 7/6/2022. Ảnh: AFP/Getty Images

“Như trong bất kỳ cuộc xung đột nào, chúng tôi vẫn cảnh giác với khả năng các đối tượng tội phạm và phi nhà nước có thể tìm cách thu mua bất hợp pháp vũ khí từ các nguồn ở Ukraine, bao gồm cả các thành viên của quân đội Nga, trong hoặc sau cuộc xung đột”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một tuyên bố hôm 27/10.

Bản kế hoạch nói trên cũng đưa ra một số hành động cho năm 2023, 2024 và sau đó, nhưng không nêu chi tiết. Trong số các bước thực hiện, có việc nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Kiev cũng sẽ tham gia giúp tăng cường theo dõi vũ khí tại Ukraine. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ có kế hoạch tăng cường đào tạo cho các lực lượng Ukraine về bảo vệ biên giới, phá hủy vũ khí và đạn dược để tránh rơi vào tay các tổ chức phi nhà nước và nhằm bảo vệ dân thường.

Trong tương lai, Mỹ cũng muốn triển khai các đơn vị rà phá bom mìn làm việc phối hợp với các lực lượng của Ukraine, đồng thời thực hiện huấn luyện các lực lượng biên giới về nhận diện các hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng xách tay.

Cho đến nay, quân đội Ukraine vẫn đang đảm bảo kiểm soát các loại vũ khí nhỏ và các vũ khí khác để không bị tuồn ra chợ đen. Kiev cũng cam kết bảo vệ các loại vũ khí mà Mỹ viện trợ, nhưng kế hoạch của Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng “bản chất hỗn loạn trong chiến đấu có thể khiến việc này trở nên khó khăn”.

Mùa Hè năm nay, Liên minh châu Âu đã khởi động một diễn đàn mới để thảo luận về tội phạm có tổ chức trong khu vực với mục tiêu hướng tới hoạt động buôn lậu vũ khí chuyển hướng bất hợp pháp. Cảnh sát châu Âu Europol cho biết khi đó họ đang làm việc với các quan chức Ukraine để giảm nguy cơ chuyển giao vũ khí bất hợp pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với tờ Financial Times, đã trấn an những lo ngại của phương Tây rằng nước này có thể trở thành nguồn cung cấp vũ khí nhập lậu, nhưng ông thừa nhận cần phải mở rộng hệ thống theo dõi vũ khí.

Ông Reznikov tiết lộ rằng một số đồng minh của Ukraine đã cử đại diện quân sự đến nước này để quan sát dòng vũ khí được tài trợ của họ và ông đã đề nghị những quốc gia khác cũng làm như vậy. Theo ông Reznikov, Ukraine đang sử dụng phần mềm của NATO để giám sát điểm đến và việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Trong nhiều tháng qua, cộng đồng kiểm soát vũ khí đã hối thúc chính quyền Tổng thống Biden phải tiến hành giám sát mạnh mẽ hơn vũ khí gửi tới Ukraine. Số lượng và nhiều loại vũ khí được gửi đến Ukraine, trong khi khả năng theo dõi chúng còn yếu, đã khiến những người ủng hộ kiểm soát vũ khí lo ngại.

Rachel Stohl, Giám đốc Chương trình Phòng thủ vũ khí thông thường thuộc Trung tâm Stimson, cho biết: “Số lượng vũ khí đã được chuyển tới Ukraine lớn hơn bất kỳ năm nào từng được chuyển đến Afghanistan và Iraq kể từ ngày 11/9/2011. Nỗ lực [theo dõi] này tập trung nhiều vào những vũ khí tinh vi công nghệ cao nhất. Vũ khí hạng nhẹ có nguy cơ bị chuyển hướng rất lớn”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Ngày càng nhiều binh sĩ Đức muốn xuất ngũ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra
Ngày càng nhiều binh sĩ Đức muốn xuất ngũ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra

Xu hướng trên phản ánh những lo ngại về hậu quả từ quá trình leo thang quân sự của Chính phủ Đức ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN