Phát biểu trong chuyến thăm binh sĩ Mỹ được điều động đến biên giới, Bộ trưởng Mattis cho biết hiện có khoảng 5.900 binh sĩ đã được triển khai tại khu vực này và lực lượng này dự kiến có thể tăng lên khoảng 9.000 binh sĩ tại ngũ và quân dự bị.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, quân đội cần cung cấp những hỗ trợ thiết yếu cho các đơn vị tuần tra biên giới vốn đang thiếu nhân sự nhằm sẵn sàng ứng phó với một đoàn người di cư lớn đang đổ về đây với mong muốn có thể đặt chân vào nước Mỹ. Ông nhấn mạnh "rõ ràng việc hỗ trợ lực lượng cảnh sát biên giới hay Đội Tuần tra biên giới là điều cần thiết ngay lúc này", khẳng định việc triển khai quân là "hoàn toàn hợp pháp".
Hiện đang có 4 dòng người di cư muốn đặt chân tới Mỹ, trong đó có dòng người lớn nhất khoảng 4.000 người vẫn đang cách biên giới vài trăm km. Trước đó, dòng người này được ước tính khoảng 7.000 người. Dòng người thứ hai, nhỏ hơn, với khoảng 1.000 người, đi sau dòng thứ nhất. Dòng thứ ba khoảng 500 người từ El Salvador đã đến Guatemala. Dòng người thứ tư khoảng 700 người đã rời thủ đô El Salvador ngày 31/10.
Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc tăng cường triển khai lực lượng để đối phó với làn sóng di cư từ Trung Mỹ mà ông gọi là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia, cho rằng nhiều kẻ khủng bố Trung Đông đã trà trộn vào những nhóm người này.
Ông chủ Nhà Trắng đã báo động lực lượng tuần tra và quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng đối đầu khi đoàn di cư gồm hàng nghìn người đủ mọi lứa tuổi tiến về biên giới. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng điều này là lãng phí và không cần thiết, đặc biệt khi mục đích của việc triển khai quân chủ yếu nhằm ngăn chặn đoàn người tị nạn lớn nhất, vốn nhiều khả năng chưa thể tới được khu vực biên giới cho tới sau khi lực lượng binh sĩ được tăng viện kết thúc nhiệm vụ vào ngày 15/12 tới.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách cứng rắn trong vấn đề người di cư Trung Mỹ, đồng thời Mỹ và Mexico cũng từng phối hợp với các nước Trung Mỹ tìm lối thoát cho tình trạng này, nhưng chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Nhiều nước Trung Mỹ hiện đang chìm trong nghèo đói, tội phạm ma túy và tham nhũng đã khiến người dân có tâm lý rời bỏ quê hương tìm đến một chân trời mới và đích đến của họ là nước Mỹ, vốn được tung hô là “miền đất hứa”.
Đơn cử như Honduras là một trong những nước có tỷ lệ bạo lực và nghèo đói cao nhất Mỹ Latinh với sự hoành hành của các băng nhóm tội phạm ma túy. Hơn 2/3 dân số nước này sống trong cảnh nghèo khổ.
Chưa kể Honduras là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất, mà tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong mùa mưa năm nay đã khiến hàng chục nghìn hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ vai trò hỗ trợ và quay lưng lại với khu vực Mỹ Latinh trong vấn đề di cư. Mỹ đã “xây tường ngăn cách” khi giảm số lượng người di cư các trại tị nạn tiếp nhận hằng năm xuống mức thấp kỷ lục dưới 30.000 người.
Không những thế, Washington cũng tuyên bố chỉ viện trợ khoảng 100 triệu USD cho những nỗ lực của Liên hợp quốc và những quốc gia tiếp nhận người di cư, thấp hơn nhiều so với nhu cầu lên đến hàng tỷ USD. Đây là những lý do khiến dòng người đổ về biên giới Mexico - Mỹ không ngừng tăng và tiếp tục là vấn đề khiến chính giới Washington đau đầu.