Ngày 5/10, trả lời báo giới tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở đảo Bali của Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ ở nước ngoài, song cho rằng đây chỉ là "sự kiện nhất thời" và không làm thay đổi các cam kết của nước này đối với châu Á và toàn thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự hội nghị APEC 21 tại Bali ngày 5/10. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Ngoại trưởng Kerry cho rằng nếu khủng hoảng chính trị tại Washington còn kéo dài hay lặp lại thì sẽ làm suy yếu nước Mỹ và mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng cũng như sự sẵn sàng "giữ vững đường lối" của Mỹ. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng tình trạng này không kéo dài và nước Mỹ sẽ trở lại mạnh mẽ như trước.
Ông cũng khẳng định cái gọi là chiến lược ưu tiên của Tổng thống Barack Obama đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bị ảnh hưởng bởi việc ông Obama hủy chuyến thăm tới khu vực này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói: "Để tôi nói rõ là không có gì đang xảy ra ở Washington có thể làm suy giảm các cam kết của chúng tôi đối với các đối tác ở châu Á, trong đó có những nỗ lực của Mỹ về cả thương mại và đầu tư trên khắp khu vực này".
Ngoại trưởng Kerry hiện đóng vai trò đại diện cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã hủy chuyến công du 4 nước châu Á, trong đó có chuyến thăm Bali để tham dự hội nghị cấp cao APEC, do bế tắc chính trị liên quan đến việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động.
Tổng thống Mỹ hối thúc Hạ viện thông qua ngân sách liên bangCùng ngày, tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Hạ viện nước này chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ bằng việc thông qua vô điều kiện một ngân sách liên bang.
Trong bài phát biểu hàng tuần trên đài phát thanh và truyền hình, ông Obama kêu gọi: "Hãy bỏ phiếu. Chấm dứt màn hài kịch này. Chấm dứt tình trạng ngừng hoạt động ngây bây giờ".
Tổng thống cho biết Thượng viện Mỹ đã thông qua một ngân sách, và "có đủ số nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện sẵn sàng làm điều tương tự", song "phe cực hữu của Đảng Cộng hòa sẽ không để cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner đưa dự luật đó ra bỏ phiếu có-hoặc-không".
Tổng thống Obama cũng khẳng định ông "sẽ không trả tiền chuộc để mở cửa lại chính phủ... hay để tăng mức trần nợ công". Trước đó, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa hầu hết các cơ quan khi các nghị sĩ từ chối thông qua ngân sách cho các hoạt động của chính phủ nếu trước tiên không hoãn hay giảm chi tiêu cho luật chăm sóc y tế hay còn gọi là "Obamacare".
Mỹ sẽ chạm mức trần nợ công vào ngày 17/10 tới và quốc hội nước này phải thông qua một khoản tăng mức giới hạn này, nếu không Washington có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
TTXVN/Tin tức