Tuyên bố tại Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng quỹ thời gian đang dần thu hẹp để tiếp tục thực thi hoạt động hạn chế năng lực của Iran. Ông Pompeo cho rằng một khi nghị quyết này hết hạn, Iran sẽ được "giải phóng" khỏi mọi hạn chế và "có thể gây ra hỗn loạn mới". Theo ông, LHQ cần phải cân nhắc để ngăn chặn điều đó.
Trước đó, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran, Brian Hook bày tỏ tin trưởng HĐBA LHQ có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo lệnh cấn vận vũ khí và hạn chế đi lại nhằm vào Iran được gia hạn.
Tháng 7/2015, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 2231, theo đó áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế đi lại đối với 24 cá nhân Iran sau khi Tehran và Nhóm P5+1 gồm 5 nước thường trực của HĐBA gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo thỏa thuận này, Iran sẽ hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của mình và cắt giảm kho dự trữ làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Nghị quyết 2231 của LHQ đã đưa ra thời hạn những lệnh cấm vận với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10/2020.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran nhằm buộc quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này hạn chế các chương trình hạt nhân và hoạt động quân sự. Tehran đáp trả bằng việc thu hẹp việc tuân thủ các cam kết của mình theo thỏa thuận này, khiến thỏa thuận này có nguy cơ đổ vỡ. Hiện căng thẳng giữa Washington và Tehran có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát liên quan đến các vụ tấn công tàu, bắn hạ máy bay không người lái và việc Mỹ ra lệnh bắt giữ tàu chở dầu của Iran.