Phát biểu với các phóng viên, bà Yellen cho rằng cũng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), WB không được thiết kế để ứng phó các cuộc khủng hoảng toàn cầu đa tầng hiện nay, gồm tác động của xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19, cũng như thiếu nguồn lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo bà, chức năng của IMF, với nguồn lực cho vay khoảng 1.000 tỷ USD, là hỗ trợ các nước ứng phó với các cuộc khủng hoảng riêng biệt, trong khi WB được thành lập để cấp vốn cho các dự án phát triển ở những nước thiếu khả năng tiếp cận thị trường vốn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định thế giới đang đối mặt với những thách thức đòi hỏi những khoản đầu tư ở quy mô mà không một thể chế quốc tế nào có thể tự mình quản lý được. Một ví dụ là vấn đề biến đổi khí hậu, khi các khoản đầu tư luôn là hàng nghìn tỷ USD.
Dù cho biết không thể khẳng định những cải cách nào là cần thiết để mở rộng quy mô các thể chế này, song theo bà Yellen, IMF và WB phải có khả năng tập hợp các nguồn vốn tư nhân lớn. Ngoài ra, các thể chế tài chính quốc tế này cùng cần có năng lực tốt hơn để cung cấp “những hàng hóa công”, như các cơ sở y tế cộng đồng được cải thiện để ứng phó với đại dịch trong tương lai. Yêu cầu này có thể khiến phải điều chỉnh phạm vi thẩm quyền của WB.
Trong phát biểu của mình, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh bày tỏ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bà Yellen, đồng thời tin tưởng mô hình hoạt động của WB, vốn quan tâm nhiều đến duy trì đánh giá tín nhiệm AAA, không còn phù hợp để thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu.
Ông Singh nhấn mạnh giờ thực sự là thời điểm xây dựng lại hình ành và cải tổ nhiệm vụ và mô hình hoạt động của WB.