Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/11 phát biểu tại Viện nghiên cứu hòa bình ở Washington, D.C.. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước khi rời Washington lên đường tham dự hội nghị quốc tế nói trên, Ngoại trưởng Kerry lưu ý rằng hiện vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm cũng như chưa thể nói rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện. Theo ông, thông điệp của Mỹ dành cho các bên là "cần có trách nhiệm, không đào sâu bất đồng, cũng như cần đưa ra bước đi tiếp theo nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu".
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Kerry cũng hối thúc các bên thể hiện sự linh hoạt, đồng thời cho rằng bất kỳ đột phá nào đạt được tại hội nghị này sẽ phụ thuộc vào cân bằng quân sự cũng như việc thu hẹp bất đồng giữa Mỹ, Nga và Iran về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng các bên liên quan gồm Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Iran có đủ tương đồng để "đưa ra một thời gian biểu nhằm thực hiện tiến trình chuyển tiếp".
Theo kế hoạch, hội nghị quốc tế về Syria sẽ diễn ra vào ngày 14/11 tới với sự tham dự của 17 nước và đại diện của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU), Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Các đại diện của phe đối lập cũng như của chính quyền Tổng thống al-Assad có thể tiếp tục không góp mặt. Đây là vòng đàm phán thứ hai về Syria nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin khu vực cho biết, tại hội nghị quốc tế sắp tới về Syria, các bên sẽ tập trung thảo luận việc lựa chọn các nhân vật của phe đối lập tham gia phái đoàn thương thuyết với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Mục tiêu của vòng đàm phán Vienna sắp tới là tiến tới một lộ trình hòa bình, bao gồm một lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng đối địch và một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Theo đó, các nước sẽ cố gắng thống nhất danh sách các đại diện phe đối lập tham gia đàm phán tến trình chuyển tiếp chính trị với chế độ Assad.
Một ủy ban quốc tế đã được thành lập và ngay từ ngày 12/11, ủy ban này đã bắt đầu công việc lựa chọn danh sách các nhân vật đối lập tham gia đàm phán với chính quyền của ông Assad. Các nước sẽ đề cử một số nhân vật của phe đối lập. Nga đã trình danh sách gồm 38 người, trong đó có 3 cựu lãnh đạo Liên minh Dân tộc đối lập và Chủ tịch hiện tại của liên minh này Khaled al-Khoja. Trong khi đó, Saudi Arabia đưa ra danh sách 20 người, còn Ai Cập tiến cử 10 nhân vật.
Giới quan sát nhận định nếu mọi việc không được quyết định tại hội nghị lần này, rất có thể sẽ phải mất một thời gian dài nữa một vòng đàm phán quy tụ đại diện nhiều nước như vậy mới có thể được triệu tập.
Tại vòng đàm phán trước diễn ra ngày 30/10, các nước tham dự đều nhất trí về việc tôn trọng sự thống nhất và chủ quyền quốc gia của Syria, cũng như mục tiêu tiêu diệt các nhóm khủng bố đang hoạt động tại các nước Arab. Tuy nhiên, các đại diện vẫn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình chính trị của nước này.
Một số nước phương Tây và Trung Đông cho rằng Tổng thống al-Assad không thể là một phần của bất kỳ chính phủ tương lai nào ở Syria, trong khi Iran và Nga tuyên bố chỉ người dân Syria mới có thể quyết định về các vấn đề nội bộ của Syria.
Nga đã đề xuất kế hoạch 8 điểm kêu gọi tiến hành bầu cử sau một quá trình cải cách hiến pháp kéo dài 18 tháng ở Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft ngày 11/11 cho biết đề xuất của Nga sẽ không phải là nội dung trọng tâm của cuộc đàm phán sắp tới.