Theo đài RT, ông Kirby nói: “Nhằm chứng minh rằng chúng tôi không có ý định tham gia hành động nào có thể bị hiểu nhầm hoặc hiểu sai, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ đạo hoãn vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III”.
Ngoài ra, ông Kirby cho rằng quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân Nga vào chế độ nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt là một bước đi không cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận không rõ động thái này có ý nghĩa gì đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Ông Kirby khẳng định việc hoãn vụ phóng thử không phải là bước lùi của Mỹ. Ông cho biết Mỹ đã sẵn sàng bảo vệ mình, các đồng minh và đối tác, nhưng tại thời điểm căng thẳng này, điều quan trọng là cả Mỹ và Nga đều cần phải ý thức về những rủi ro tính toán sai lầm, đồng thời thực hiện các bước đi để giảm những rủi ro đó.
Bom và tên lửa hạt nhân tầm xa không được sử dụng trong thời chiến kể từ Thế chiến thứ hai. Phần lớn là do Liên Xô bắt đầu thử vũ khí hạt nhân vào năm 1949 và việc hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến lợi ích của các bên không còn nếu sử dụng hạt nhân nhằm vào nhau. Cả NATO và Nga đều có các loại bom hạt nhân tầm ngắn hơn, nhưng những loại bom này không phải là ưu tiên của Mỹ.
Trong khi thông báo quyết định tăng cường khả năng sẵn sàng trang bị vũ khí của Nga, Tổng thống Putin đã nhắc lại những tuyên bố gây hấn của NATO và các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Nga.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện bước chưa từng có khi vận chuyển vũ khí trị giá hàng trăm triệu USD để giúp Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga. Mỹ cũng tăng cường viện trợ tài chính và quân sự. NATO vẫn đóng quân ngay bên ngoài Ukraine nhưng nhiều quan chức nói rằng liên minh sẽ không tham gia cuộc xung đột, miễn là các hành động thù địch không lan sang quốc gia đồng minh.
Video Mỹ phóng thử nghiệm tên lửa ICBM Minuteman III ngày 1/5/2019 (nguồn: RT):
Trước đó, ngày 27/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh các lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao. Tổng thống Putin giải thích quyết định trên là nhằm đáp trả những tuyên bố “thù địch” của các quan chức hàng đầu NATO. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nga đang mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Các nước phương Tây không chỉ thực thi những hành động thiếu thân thiện đối với nước Nga trong lĩnh vực kinh tế. Tôi đang nói về những lệnh trừng phạt bất hợp pháp mà bất kỳ ai cũng biết rõ".
Các lực lượng răn đe hạt nhân Nga bao gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường, có thể được sử dụng vừa để phòng thủ vừa có thể tấn công. Theo học thuyết quân sự của Nga, các lực lượng răn đe hạt nhân được xây dựng để ngăn chặn hành động gân hấn nhằm chống lại Nga và các đồng minh của Nga, đồng thời để đánh bại đối tượng gây hấn, bao gồm trong một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga đưa ra chỉ đạo trên sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo nếu Moskva không ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay ở Ukraine, điều đó có thể dẫn tới một cuộc xung đột với NATO.
Sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái trực chiến cao, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/2 tuyên bố Mỹ và NATO không phải là mối đe dọa của Nga, đồng thời cho rằng Moskva đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái báo động cao dựa trên những mối đe dọa không tồn tại.