Phát biểu ngày 26/11 với phóng viên tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, Tướng Brown cho biết động thái trên nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nêu rõ: "Chúng tôi không muốn phải làm điều gì khiến các cuộc đàm phán ngoại giao đột ngột dừng lại. Đó là một phần lý do khiến chúng tôi không thực hiện các chuyến bay qua Bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng dù Mỹ sẽ không triển khai máy bay ném bom bay qua Bán đảo Triều Tiên, nhưng số chuyến bay của các máy bay chiến đấu này không thay đổi.
Từ năm 2004, không quân Mỹ đã duy trì máy bay B-1B, B-52 và B-2 trên đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong khuôn khổ "Nhiệm vụ hiện diện liên tục máy bay ném bom". Mỹ thường thực hiện các chuyến bay qua khu vực này cùng với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia với mục đích huấn luyện, đồng thời nhằm chứng tỏ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trước Triều Tiên cũng như các đối thủ tiềm tàng khác.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đã hủy hoặc hoãn một số cuộc tập trận chung kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6 tại Singapore. Tại cuộc gặp này, ông Trump đã thông báo rằng Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vì cho rằng hoạt động này tốn kém và "rất khiêu khích".
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng thông báo kế hoạch giảm quy mô cuộc tập trận "Đại bàng non" dự kiến diễn ra mùa Xuân năm 2019. Đây vốn là cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất giữa hai nước đồng minh này và thường vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Bình Nhưỡng, coi đó như "cuộc diễn tập xâm lược".