Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng giữa 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, diễn ra bên lề Đối thoại Shangri-la 2019 tại Singapore ngày 2/6, người đứng đầu Bộ Quốc phòng 3 nước cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố khẳng định Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nhận thức rõ mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, đó là đảm bảo Triều Tiên tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ quốc tế theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó có duy trì hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa, phá vỡ và loại bỏ việc vận chuyển từ tàu sang tàu của Triều Tiên.
Ba nước cũng cam kết tăng cường hợp tác an ninh 3 bên thông qua chia sẻ thông tin, tham vấn chính sách cấp cao và diễn tập chung.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Bộ Quốc phòng 3 nước hội đàm kể từ sau khi Triều Tiên phóng một số vật thể bay không xác định được cho là tên lửa tầm ngắn vào ngày 4/5 và 9/5. Liên quan động thái này của Bình Nhưỡng, lãnh đạo quốc phòng 3 nước cam kết sẽ thận trọng liên quan các bước đi của Triều Tiên.
Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã khẳng định với hai người đồng cấp Mỹ và Hàn Quốc rằng các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của HĐBA LHQ, đồng thời kêu gọi Washington và Seoul cùng chia sẻ quan điểm này. Ông Iwaya từ chối bình luận về nội dung chi tiết hội đàm liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi đó, quan điểm của Mỹ đã được thể hiện rõ trong những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước khi ông có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông không bận tâm đến việc Triều Tiên phóng một số vũ khí nhỏ. Còn Hàn Quốc cho đến nay vẫn thận trọng và chưa đưa ra bất cứ xác nhận cụ thể nào về vật thể bay mà Triều Tiên phóng trước đó.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai hồi tháng 2 vừa qua. Sau khi hội nghị kết thúc mà không đạt thỏa thuận, Bình Nhưỡng được cho là đã có những động thái cứng rắn như phóng các tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông. Giới phân tích nhận định đây là chiến thuật nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay.