Ông Blinken đang có chuyến công du một loạt quốc gia Trung Đông nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giúp chấm dứt cuộc xung đột tồi tệ nhất trong nhiều năm giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, lực lượng đang kiểm soát Gaza.
Tại Phủ tổng thống Ai Cập, Ngoại trưởng Blinken đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fattah al-Sisi, người đồng cấp Sameh Shoukry và người đứng đầu cơ quan tình báo Abbas Kamel.
Phát biểu trước các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Cairo, ông Blinken khẳng định vai trò của Ai Cập trong việc giúp giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột hiện nay, đồng thời cho biết Mỹ và Ai Cập đang phối hợp nhằm giúp người dân Israel và Palestine được sống trong an toàn và an ninh.
Ai Cập có quan hệ lâu đời với cả hai bên xung đột và đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas sau 11 ngày giao tranh căng thẳng. Quốc gia Bắc Phi này cũng góp phần giúp vận chuyển viện trợ cho khu vực xảy ra xung đột. Ai Cập đã mở cửa khẩu Rafah giữa Gaza và bán đảo Sinai để giúp cung cấp viện trợ y tế cũng như sơ tán những người bị thương, cũng như đã cử một phái đoàn an ninh đến Israel và Gaza để giám sát lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 2h00 ngày 21/5 vừa qua.
Trước khi đến Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đến Jerusalem và thành phố Ramallah ở Bờ Tây. Hiện ông Blinken đã đến Jordan, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông lần này của ông.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với người đồng cấp Israel Gabi Ashkenazi, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tái khẳng định quan điểm của nước này đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đó là ủng hộ một giải pháp hai nhà nước.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Raab cho biết trong cuộc gặp ông đã nhắc lại cam kết của Anh đối với một giải pháp hai nhà nước đối với vấn đề Israel-Palestine, tầm quan trọng của một thỏa thuận hạt nhân mạnh mẽ hơn với Iran và cam kết đối với tình hình an ninh của Israel.
Sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, có hiệu lực từ cuối tuần trước. Ai Cập và Qatar là những nước đi đầu các nỗ lực của khu vực thúc đẩy đạt được thỏa thuận ngừng bắn này. Hiện các nhà trung gian hòa giải đang thúc đẩy đàm phán với các bên xung đột nhằm duy trì lệnh ngừng bắn.