Năm 1949, Tổng thư ký NATO đầu tiên là Lord Hastings Ismay, tuyên bố liên minh này nhằm đẩy Nga ra ngoài, cho phép Mỹ vào và hạ thấp vai trò của Đức. Mặc dù hầu hết các nước châu Âu không còn lo lắng về nước Đức như thời kỳ của Ismay nữa nhưng việc đẩy Nga ra ngoài và cho phép Mỹ vào vẫn là điều mấu chốt với nhiều đồng minh Mỹ ở châu Âu. Chính vì vậy nên các nước nằm sát với Nga, đặc biệt là các nước Baltic như Ba Lan và Romania, liên tục đòi hỏi phương Tây phải có phản ứng mạnh mẽ với Nga, bao gồm thúc đẩy sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu.
Binh sĩ Mỹ tập luyện phòng thủ tên lửa với các đồng sự Ba Lan tại cơ sở quân sự Morag, nằm ở phía Đông Bắc Ba Lan |
Những đáp trả gần đây của phương Tây được đánh giá là khá nhẹ nhàng đối với Nga, lệnh cấm với một vài cá nhân và một ngân hàng là cần thiết nhưng chưa đạt mức hiệu quả. Tương tự, nỗ lực loại Nga khỏi nhóm G-8 nhận được thái độ coi thường của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người từng phát biểu “không quan tâm” tới lệnh cấm vận. Việc loại Nga ra các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác sẽ ít nhiều tác động tới Nga nhưng đây không phải là biện pháp tốt nhất để phương Tây gây ảnh hưởng với Nga.
Giải pháp hiệu quả hơn chính là việc làm suy giảm sức mạnh chủ yếu của Nga trên trường quốc tế, đó chính là sức mạnh kinh tế dựa trên việc khai thác các nguồn tài nguyên. Để mục đích này đạt hiệu quả nhất thì phương Tây cần tập trung tấn công vào ngành dầu mỏ của Nga, thông qua sự kết hợp giữa lệnh cấm vận và nỗ lực để làm hạ thấp giá dầu. Bước đi này cùng các nỗ lực khác sẽ khiến sự tương tác giữa Nga với kinh tế toàn cầu khó khăn hơn và tốn kém hơn, đây là giải pháp cần thời gian nhưng cuối cùng sẽ khiến Nga phải cân nhắc khi đưa ra chính sách.
Trong thời gian này, Mỹ cần lưu ý tới các động thái khác để làm an lòng các đồng minh đang lo lắng tại Đông Âu, ngăn chặn các hành động phiêu lưu của Nga và phát đi tín hiệu với chính quyền ở Moskva rằng phương Tây không còn thích ứng với thái độ của Nga. Hành động tăng cường ngay lập tức các nhiệm vụ ngắn hạn, không thường trực của không quân Mỹ ở Ba Lan có thể được hoan nghênh nhưng Mỹ và đồng minh cần có những bước đi xa hơn.
Ví dụ như, quan chức ở cả Ba Lan và Romania gần đây kêu gọi sự hiện diện thường trực hơn nữa của quân đội Mỹ ở Đông Âu. Nếu các nhà lập pháp Mỹ theo đuổi mục tiêu này thì họ có thể tận dụng những cơ sở hạ tầng có sẵn để tái đảm bảo với các đồng minh một cách nhanh chóng và có thể hiện diện có hiệu quả tại cả Ba Lan và Romania. Trước đây, Mỹ đã từng triển khai 150 quân ngắn hạn và có sự luân phiên tới Morag, một căn cứ quân sự ở đông bắc Ba Lan để huấn luyện phòng thủ tên lửa với các đối tác phía Ba Lan.
Những cam kết xa hơn của Mỹ có thể là xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho Lực lượng Đặc nhiệm phía Đông tại Romania và Bulgaria. Các cơ sở này đang là nơi đồn trú tạm thời cho vài nghìn quân Mỹ ở giữa hai địa điểm của Constanta, Romania và Burgas, Bulgaria phục vụ cho việc huấn luyện thường kỳ, huấn luyện ngắn hạn khác và hoạt động hậu cần khi mở chiến dịch tại khu vực nào đó. Việc Lực lượng Đặc nhiệm phía Đông, đặc biệt là ở Romania, chuyển từ hiện diện không thường trực sang hiện diện thường trực, cùng với lực lượng Mỹ triển khai ở Italy, Đức hoặc thậm chí ở Mỹ, có thể làm gia tăng nhanh chóng cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ với các đồng minh Đông Âu.
Liên quan tới điều này, nhà lập pháp Mỹ nên cân nhắc tạm hoãn việc giảm hơn nữa lực lượng thường trực Mỹ tại châu Âu, đặc biệt lực lượng mặt đất. Với việc cắt giảm quân số đều đặn từ đầu thập niên 1990, lực lượng Mỹ tại châu Âu hiện nay còn bị thu nhỏ hơn nữa bởi sự rút quân tạm thời. Lực lượng tiền phương còn lại phải hỗ trợ hàng loạt nhiệm vụ, gồm duy trì khả năng thực hiện các chiến dịch liên minh với các đồng minh NATO đang và sẽ diễn ra trong tương lai; xây dựng quan hệ đối tác tại châu Âu, châu Phi và Địa Trung Hải; tái đảm bảo cam kết của Mỹ với đồng minh về an ninh châu Âu; và ngăn chặn hoạt động xâm lược nhằm vào các nước này. Việc Mỹ cắt giảm hơn nữa lực lượng tại châu Âu sẽ gây nguy hại tới các sứ mệnh này. Nếu Mỹ tuyên bố ngừng giảm quân, điều đó sẽ thúc đẩy quan hệ đồng minh và phát một tín hiệu dứt khoát với Nga rằng Mỹ sẽ mau chóng thay đổi môi trường an ninh toàn bộ châu Âu.
Nỗ lực của Moskva mở rộng biên giới về Tây đã khiến châu Âu phải đặt ra câu hỏi về chính sách của họ sau 25 năm cố gắng đẩy Nga ra ngoài khu vực này kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Sau vụ Nga sáp nhập Crưm, Mỹ và các đồng minh cần thực hiện việc nghiên cứu lại chính sách với Nga và với an ninh ở châu Âu. Trong ngắn hạn và có thể dài hơn, một phần của việc nghiên cứu lại phải bao gồm tăng cường cam kết bảo vệ an ninh cho châu Âu trên mặt đất.
Đức Trung (Theo National Interest)