Nghịch lý của người Mỹ về chính sách đối ngoại

Robert Kagan, học giả cấp cao của Viện Nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington DC, đã có bài viết về nghịch lý liên quan đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đăng trên "Thời báo Washington" mới đây, nội dung như sau:


Chính sách đối ngoại của ông Obama không được người Mỹ tán thành.


Dù có thích cách thực thi chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama hay không thì mọi người đều thừa nhận rằng, chính quyền Mỹ hiện nay đang thực hiện một chính sách đối ngoại chiều theo mong muốn của người dân. Đa số người Mỹ phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Syria, đồng thời muốn hạn chế sự can dự của Mỹ ở Trung Đông và phản đối việc Mỹ tham gia các cuộc chiến khác. Điều họ muốn là tập trung củng cố sức mạnh ở trong nước. Và như vậy, những gì ông Obama làm là theo ý nguyện của người Mỹ. Ai cũng nghĩ rằng ông đã thành công và xứng đáng nhận được sự tán thành về cách điều hành chính sách đối ngoại.


Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Tỷ lệ tán thành cách điều hành chính sách đối ngoại của ông Obama khá thê thảm. Theo kết quả cuộc thăm dò mới đây nhất của hãng tin CBS News, chỉ có 36% người dân Mỹ tán thành cách ông Obama điều hành chính sách đối ngoại, trong khi 49% không tán thành. Kết quả thăm dò này cũng phù hợp với một số cuộc thăm dò khác trong suốt năm qua.


Một cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 11/2013 cho thấy 34% người được hỏi ý kiến tán thành chính sách đối ngoại của ông Obama, trong khi có tới 56% không tán thành. Thăm dò dư luận của hãng CBS cho thấy tỷ lệ người Mỹ tán thành chính sách kinh tế và y tế của Obama còn cao hơn (tương ứng 39% và 41%). Ông Obama nhận được sự tán thành thấp nhất trong chính sách đối ngoại. Với tỷ lệ ủng hộ thấp như vậy, ông Obama được xếp ngang hàng với cựu Tổng thống George W. Bush ở nhiệm kỳ 2, khi nước Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.


Theo thăm dò của CBS, trong khi tỷ lệ ủng hộ cách điều hành đất nước nói chung của ông Obama là 40% thì tỷ lệ ủng hộ chính sách đối ngoại chỉ đạt 36%. Như vậy, đã có một nghịch lý xảy ra: Tổng thống Obama rõ ràng đang tiến hành chính sách đối ngoại phù hợp với quan điểm của người dân, nhưng chính sách của ông lại không nhận được sự ủng hộ của đa số.


Lý giải cho nghịch lý này, tác giả Robert Kagan đưa ra một giả thuyết như sau: Có thể đa số người Mỹ không muốn can thiệp vào Syria, họ cũng không muốn can dự quá sâu vào Iran, Afghanistan, Iraq, Ai Cập hoặc Ukraine. Họ thích một chính sách đối ngoại khiêm tốn mà Mỹ không phải đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Họ muốn các nước khác tự giải quyết những vấn đề của chính mình. Tóm lại, họ thích những gì mà ông Obama đang làm hiện nay, nghĩa là chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước, tuy nhiên, họ lại không cảm ơn ông về điều đó.


Trong nhiều thập kỷ qua, người Mỹ vẫn nghĩ đất nước của họ thật đặc biệt. Họ tự cho mình là “lãnh đạo của thế giới tự do”, là “cường quốc không thể thay thế” hoặc siêu cường số một. Giờ đây, giới học giả, các nhà tiên tri đang nói với họ rằng những ngày đó đã qua rồi, và giờ là lúc nước Mỹ cần đặt cho mình các mục tiêu vừa phải, tương xứng với sức mạnh đang suy giảm của họ. Và người Mỹ đã có vị tổng thống cam kết thực hiện nhiệm vụ này. Ông Obama đã không tỏ ra luyến tiếc với thời hoàng kim của Mỹ, đôi khi ông còn cho rằng nhiệm vụ của ông là phải đối mặt với thực tế: sức mạnh của nước Mỹ đang suy giảm.


Trên thực tế, người dân Mỹ thường có những suy nghĩ và hành động khác biệt nhau. Ví dụ, cựu Tổng thống Bill Clinton đã giành được tỷ lệ ủng hộ cao ở trong nước sau khi ông can thiệp vào Bosnia và Kosovo, cho dù trước đó đa số người Mỹ phản đối quyết định can thiệp của ông. Từ đó, có ý kiến nói rằng chẳng ai có thể đoán được những gì dư luận nghĩ về ông Obama nếu ông quyết định tấn công Syria vào tháng 8/2013.


Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ)

Quan hệ với Mỹ: Nga 'cương quyết', Trung Quốc 'thông thái'
Quan hệ với Mỹ: Nga 'cương quyết', Trung Quốc 'thông thái'

Quan điểm cứng rắn và quyết đoán của điện Kremlin về cuộc khủng hoảng tại Ukraine không làm phương Tây bất ngờ. Trong năm 2013, nước Nga đã thể hiện sự độc lập và quyết đoán trong bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN