Quyết định của Nga tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc là một phần trong chiến lược dài hạn, được thực hiện trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Truyền thông quốc tế tuần qua đã đánh giá sai lệch về chuyến thăm của Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Rosneft Igor Sechin tới Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, với nhận định rằng đó là bước đi của Nga nhằm tìm lối thoát trước các lệnh cấm vận của phương Tây.
Thực sự, tăng cường các liên kết kinh tế sâu rộng với phương đông đã là một phần trong nghị trình của Tổng thống Vladimir Putin suốt một thập kỉ qua. Với Trung Quốc, Nga có tham vọng nâng kim ngạch ngoại thương hai chiều lên 100 tỉ USD trong năm 2015.
Rosneft của Nga đang đẩy mạnh hợp tác với tập đoàn ONGC của Ấn Độ trong nhiều dự án. Ảnh: Reuters |
Chiến lược trọng tâm sang châu Á không phải là điều gì mới mẻ của điện Kremlin. Nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nga khi Putin lên làm Tổng thống năm 2000 là tạo lập một quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ. Ngoài việc xích lại quan hệ ngoại giao, quan hệ này đã mở đường cho các liên kết kinh tế rộng mở. Liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan cũng đã thảo luận các hiệp định tự do thương mại với Việt Nam, New Zealand và Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện với Ấn Độ. Đề xuất của Kazakhstan về một Hiệp định tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang được xem xét. Moskva thậm chí còn đi đầu trong sáng kiến chuyển Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) từ một tổ chức đầu tư sang một khối kinh tế bao gồm thêm cả Nam Phi (trở thành BRICS).
Mở rộng quan hệ thương mại với các nước châu Á là điều có ý nghĩa quan trọng với Nga, vì những nguy cơ đối đầu với các đối tác này dường như không cao. Nga và Trung quốc đã ký kết hiệp định phân định biên giới, tạo nền tảng cho quan hệ song phương. Moskva hiện có tranh chấp với Tokyo về chủ quyền quần đảo Kuril mà Nhật gọi là “vùng lãnh thổ phía bắc”, nhưng không vì thế mà hai bên làm căng các quan hệ kinh tế, thương mại. Nhật Bản cũng không có ý định “tống tiền” Nga trong các diễn đàn quốc tế. Không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Ấn Độ sẽ cô lập quốc tế chống Nga. Ngay tại thời điểm nổ ra "cách mạng cam" ở Ukraine năm 2004, New Delhi đã trải thảm đỏ đón ông Putin đến thăm, làm nhiều chính phủ phương Tây bực dọc. Gần nhất, Ấn Độ phản đối các lệnh cấm vận nhằm vào Nga và là nước đầu tiên công khai thừa nhận Nga có lợi ích hợp pháp tại Crimea.
Các đồng minh châu Á của Nga, cùng các đối tác trong các tổ chức như BRICS không cho thấy khả năng sử dụng hăm dọa kinh tế để thúc đẩy các nghị trình chính trị. Bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện tại đã tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Nga tìm kiếm các thị trường mới có lợi nhuận.