Nguồn tin từ phái đoàn Mỹ cho biết, tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Tổng thống Barack Obama và Quốc vương nước chủ nhà Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud đã thảo luận “bất đồng chiến thuật”giữa 2 nước trong một số vấn đề quốc tế, song khẳng định vẫn là đồng minh chiến lược của nhau. Chuyến công du châu Âu của ông Obama cũng thu được kết quả tương tự. Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Mỹ đều thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ đồng minh, tuy nhiên, khác biệt về lợi ích của Washington và hầu hết các nước châu Âu thể hiện khá rõ ràng. Ông Obama dành gần như cả tuần ở thăm châu Âu để cố gắng thuyết phục các đối tác Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea (Crưm).
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không đạt được mục đích khiến Brussels áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Moskva, mặc dù nhiều nước EU khẳng định vẫn thống nhất quan điểm với Washington.
Đối với các biện pháp trừng phạt Điện Kremlin, các nước EU lắng nghe ông Obama nhưng từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt. Các nước hàng đầu trong EU không hiểu vì sao họ phải cắt đứt liên hệ với Nga - đối tác thương mại lớn nhất bên ngoài EU chỉ để ủng hộ chính quyền ở Kiev mà Washington đã góp phần dựng lên bằng vũ lực. Riêng ở Đức, có hơn 300.000 người phụ thuộc vào các mối liên hệ kinh tế với Nga.