Đài Sputnik (Nga) dẫn phát biểu ngày 28/2 của ông Sullivan cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để buộc những người chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực phải giải trình, đồng thời củng cố sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Myanmar”.
Theo ông, để đạt được mục tiêu, Mỹ đang chuẩn bị các hành động bổ sung để áp đặt thêm lệnh trừng phạt vào những người chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực và chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên án tình trạng bạo lực trên.
Ngày 28/2, người dân Myanmar đã tổ chức tuần hành quy mô lớn tại nhiều thành phố lớn. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền, ít nhất 18 người đã thiệt mạng và trên 30 người bị thương do đụng độ riêng trong ngày hôm đó.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Guterres khẳng định việc sử dụng vũ khí sát thương là không chấp nhận được. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy sát cánh và truyền đi một thông điệp rõ ràng yêu cầu chấm dứt bạo lực tại Myanmar.
Ngày 1/2, quân đội Myanmar nắm chính quyền sau khi bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.