Theo thông báo hướng dẫn được đăng trên website của CBP trước đó, những chuyến hàng đang trong quá trình vận chuyển hoặc rời cảng Trung Quốc trước 11h sẽ được xem là đã được xuất khẩu sang Mỹ và vẫn chỉ chịu mức thuế 10%.
Quy định về thời gian ân hạn nói trên là một điểm khác biệt so với đợt đánh thuế trừng phạt trước đó của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Mức thuế trước đây được áp dụng với tất cả hàng hóa cập cảng Mỹ sau thời điểm thuế có hiệu lực. Nhưng các mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đó đã được thông báo trước khi có hiệu lực ba tuần, còn mức thuế 25% lần này lại được áp dụng chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày kể từ khi công bố.
Mức thuế trên chính thức có hiệu lực trong bối cảnh các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã khép lại ngày đàm phán đầu tiên nhằm cứu vớt thỏa thuận có nguy cơ đổ vỡ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lại gia tăng sau một bước thụt lùi lớn trong tiến trình đàm phán song phương vào hồi tuần trước khi Bắc Kinh sửa đổi thỏa thuận dự thảo và giảm cam kết sẽ đáp ứng những yêu cầu của Mỹ trong việc cải cách thương mại. Tổng thống Donald Trump đáp lại bằng chỉ thị tăng thuế, và Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ trả đũa.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng ngày 9/5 cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã nhất trí với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tiếp tục đàm phán vào sáng 10/5. Ông Trump cho biết nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ quay lại tự sản xuất những hàng hóa mà Trung Quốc hiện đang làm.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 9/5 công bố báo cáo cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc - trọng tâm nghị trình “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump - giảm 16,2% xuống mức chưa điều chỉnh 20,7 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm trong tháng 3/2019.
Một cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cho biết việc tăng thuế nói trên của chính quyền Trump có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm, nhưng nền kinh tế đang trên đà phục hồi này đã có “sức đề kháng” cao hơn đối với những cú sốc từ bên ngoài.